Thanh niên xông vào trường chém học sinh: Làm sao đảm bảo an ninh?

04/05/2019 19:22 GMT+7

Sau vụ thanh niên xông vào trường chém chết học sinh tại Trường tiểu học Đồng Lương (Thanh Hóa), vấn đề an ninh trường học đang được các trường đặc biệt quan tâm.

Đa phần các trường đều có những quy định riêng về an ninh, an toàn trường học. Vào giờ học, các trường học đều đóng cổng, không cho người lạ vào trường. Tuy nhiên, ở vụ việc vừa xảy ra, thanh niên đã trèo rào vào trường chém học sinh đang chơi dưới sân trường. Điều này đặt ra cho việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học những vấn đề mới để có thể kịp thời ứng phó. 

Đưa phòng tiếp phụ huynh ra ngoài

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), tai nạn xảy ra thì không thể nói trước được. Nhưng nếu dự báo trước những tình huống xấu có thể xảy ra, cảnh giác cao thì sẽ ngăn ngừa tốt nhất những tai nạn này. 

[VIDEO] 2/3 học sinh nghỉ học sau vụ đâm chém trong trường học ở Thanh Hóa
Ông Phú cho biết học sinh THPT sẽ có phản ứng nhanh hơn học sinh nhỏ tuổi nhưng nếu những kẻ liều mạng vào trường thì các em cũng sẽ trở tay không kịp. Đây là điều trường luôn nghĩ đến để tính toán những phương án xử lý khi có chuyện xảy ra. Vào giờ học, cổng trường đóng lại, người nào muốn liên hệ phải thông qua bảo vệ. Phòng tiếp người bên ngoài trường vào liên hệ đặt ở phía ngoài trường. 
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, cho biết từ năm nay, trường cũng xem lại công tác an toàn trong trường học đảm bảo như thế nào. Trong đó, trường thấy có một khiếm khuyết và xử lý ngay. Đó là đưa phòng tiếp người đến liên hệ, phụ huynh ra bên ngoài, gần cổng trường. Phụ huynh có đến nộp, rút hồ sơ cho con cũng ở đây chứ không vào trong trường. 
Tuy nhiên, ông Hùng cũng đánh giá, ở các trường THPT, giáo viên nam đông, học sinh cũng có được sự tự vệ nhất định. Vì vậy, khi có sự việc tương tự xảy ra, sự phản ứng của giáo viên, học sinh sẽ tốt hơn ở các cấp dưới. Ở những trường mầm non, tiểu học, giáo viên đa số là nữ, học sinh còn nhỏ, cần có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trường học tốt nhất cho các em. 
Đứng ở góc độ trường tiểu học, ông Văn Nhật Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (Q.11, TP.HCM), cho biết không chỉ đóng cổng, ngay trong sân trường cũng bố trí một hàng rào. Phụ huynh đến đón con nhất thiết không được vượt qua hàng rào này. Vì nếu không kiên quyết thì kẻ xấu có thể trà trộn vào trường. Thậm chí, nhà vệ sinh của trường ở lầu 1, nhiều phụ huynh đến trường đón con xin đi nhờ nhà vệ sinh cũng không được. Vì không thể nắm hết mọi hoạt động của người ngoài khi đã vào được trong trường. 

Việc cảnh giác phải được đặt lên hàng đầu

Ông Phương cũng cho biết, với đặc thù của trường tiểu học, sự ứng phó khi có chuyện xảy ra không thể nhanh, cần lường trước các tình huống có thể xảy ra. Hàng rào bao quanh trường được xây cao, có cọc nhọn. Thêm vào đó, trường bố trí dưới hai dãy tường không phải là lớp học. Một phía là căn tin, một phía khác là nhà để xe của giáo viên và phòng bảo vệ. Việc bố trí này để hạn chế thấp nhất các tình huống người lạ trèo rào vào trường. Nếu có chuyện xảy ra, vẫn còn một ít thời gian để xử lý. 
Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong giờ ra chơi Bích Thanh
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trương Thị Hồng Vân, người vừa về hưu sau khi đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng tại Trường tiểu học Sông Lô (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho biết với cấp tiểu học, đảm bảo an toàn cho học sinh là nhiệm vụ đau đầu nhất. Việc cảnh giác phải luôn được đặt lên hàng đầu. Theo phân công, mỗi người trong ban giám hiệu có thể nghỉ một ngày trong tuần, nhưng hầu như không ai dám nghỉ. Chỉ sợ khi nghỉ làm, có chuyện xảy ra không thể ứng phó kịp thời. Mỗi ngày, khi học sinh ra về hết, ban giám hiệu, giáo viên mới "thở phào" vì đã thật sự qua hết một ngày. 
Bà Vân cho biết với cấp tiểu học, phải luôn nghĩ đế chuyện bảo đảm an toàn cho học sinh. Tường rào của trường xây cao, có cọc nhọn. Trường tiểu học ít giáo viên nam nên mỗi thời điểm học sinh đến trường, ra về, giáo viên nam cũng được huy động tối đa để cùng với bảo vệ đứng ở cổng trường. Giờ ra chơi của học sinh phải đảm bảo cổng trường đóng chặt. Những giáo viên, nhân viên của trường, đoàn viên thanh niên cũng thường xuyên đi quanh sân chơi để xem xét tình hình. Phòng học giờ ra chơi phải đảm bảo khóa cửa, tránh tình trạng các em ở lớp bị nguy hiểm, đánh nhau... mà thầy cô không biết. Hầu như họp hội đồng lần nào, bà cũng nhắc nhở về chuyện an toàn cho học sinh để mọi người trong trường luôn cảnh giác.  
Ông Huỳnh Thanh Phú cho biết cũng phải lường trước phương án đối phó việc có người tìm nhiều cách vào được trường để làm hành động xấu mà không qua cổng chính. Các giám thị, giáo viên thể dục, bảo vệ thường xuyên được nhắc nhở là nếu có người vào trường có biểu hiện lạ phải khống chế ngay, không cho di chuyển. Người của trường sau đó sẽ áp giải lên công an hoặc mời công an xuống làm việc. Số điện thoại của công an phường luôn được dán ở các phòng chức năng để gọi ngay khi có sự cố. 
Theo ông Phú, khoảng ít năm trước tại trường có xảy ra một chuyện. Đó là một cô gái xin vào trường. Sau đó, cô gái này được đưa đến gặp giám thị nhưng lại xin gặp người không có tên trong trường. Sau đó, cô gái này khóc lóc, làm những biểu hiện quá khích. Trường mới biết cô ấy bị trầm cảm, dẫn đến những hành động không kiểm soát được. Vì đã được nhắc nhở nhiều lần, giám thị trường bắt buộc cô ngồi trong phòng và mời công an đến giải quyết.

Ông Phú cũng cho biết điều ông lo nhất là giờ học sinh đến trường và giờ ra về. Lúc này, trường mở cổng, các đối tượng xấu có hành vi đánh nhau, xin đểu, biến thái... dễ xuất hiện, gây ra những hành động ảnh hưởng đến học sinh. Vì vậy, ông yêu cầu ở những thời điểm này, giám thị luôn phải có mặt để phối hợp với bảo vệ khi cần thiết. Mỗi tuần, hiệu trưởng cũng sẽ có mặt vào thứ hai và thứ năm. Ngoài việc chào hỏi phụ huynh, học sinh đến và ra về còn để dễ quan sát tình hình, xử lý kịp thời khi có sự cố. 

 
Bộ GD-ĐT đề nghị tỉnh Thanh Hóa có giải pháp
bảo đảm an toàn trường học

Ngày 5.4, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu điều tra, xác minh làm rõ vụ việc nam thanh niên vào trường đâm chém giáo viên và học sinh tiểu học tại Thanh Hóa. Thứ trưởng nhận định đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tính mạng của các học sinh và giáo viên. 

Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành địa phương liên quan kịp thời cứu chữa cho các em học sinh bị thương; chủ động thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình học sinh bị tử vong và các gia đình có học sinh bị thương; ổn định tâm lý cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường để hoạt động dạy và học sớm trở lại bình thường. Đồng thời, điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các trường học trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh.

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.