Thanh niên xứ Nghệ chế phao cứu sinh từ rác thải phòng chống đuối nước cho trẻ em

14/07/2021 08:08 GMT+7

Từ những chiếc lốp xe và chai nhựa bỏ đi, các đoàn viên thanh niên xã Quỳnh Hậu (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã sáng chế ra phao cứu sinh đặt ở những nơi nước sâu, nguy hiểm để phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Phao bơi bằng lốp và can nhựa

Đó là mô hình “Lốp xe cứu hộ” phòng chống đuối nước xuất hiện từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn xã Quỳnh Hậu (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An). Những chiếc phao cứu hộ lạ mắt làm bằng lốp xe cũ gắn chai nhựa, được đặt ở những chỗ cảnh báo nước sâu nguy hiểm của con sông Nông Giang, chảy qua xã.
Con sông này được xây kè hai bên, rất dốc và trơn trượt, nên khi bị đuối nước sẽ không thể có chỗ bám víu để lên bờ, nguy cơ tử vong rất cao. Trong khi đó, trẻ em thường ra sông bơi lội, bất chấp các biển cảnh báo, nhất là vào dịp hè. Vì vậy, Đoàn Thanh niên xã Quỳnh Hậu đã sáng tạo ra những chiếc phao cứu sinh này để phòng chống đuối nước cho các em.
Chia sẻ về mô hình “Lốp xe cứu hộ”, anh Nguyễn Sĩ Thanh, Bí thư Đoàn xã Quỳnh Hậu, cho biết tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn nhức nhối, nên anh trăn trở rất nhiều. “Tôi cũng có một tuổi thơ như các em nhỏ, rất thích bơi lội, nhưng do điều kiện khó khăn, không có tiền mua phao bơi, nên thường chỉ dùng can nhựa. Nhưng những can nhựa trọng lượng quá nhẹ, khi ném ra xa thường không đến đúng đích, nên tôi nảy ra ý tưởng dùng lốp xe, gắn chai nhựa xung quanh thành phao cứu hộ”, anh Thanh chia sẻ.
Sau một đêm suy nghĩ, ngay sáng hôm sau, anh Thanh huy động đoàn viên thanh niên đi xin lốp xe cũ ở các cửa hàng sửa xe, chai nhựa ở các quán ăn và bãi phế liệu về để làm những phao bơi này. “Lúc đầu, chúng tôi chỉ gắn chai 1,5 lít, nhưng khi thử nghiệm thấy nó chỉ chịu được lực từ 8 - 10 kg, nên không đạt yêu cầu, vì khi bất trắc thì trẻ phải nằm được ở trên đó. Tôi lại cùng anh em đi gom những can dầu ăn 5 lít và gắn vào đó 4 can. Khi thử nghiệm thì phao đã tải được trọng lượng trên 30 kg”, anh Thanh chia sẻ.
Vậy là chỉ trong một ngày, các đoàn viên thanh niên xã Quỳnh Hậu đã làm được hàng chục chiếc phao cứu hộ và đem tới đặt tại các điểm nguy hiểm trên dòng sông Nông Giang. Nhiều trẻ em thích thú với những chiếc phao này. Một bạn nặng trên 30 kg đã nằm được trên phao mà không bị chìm. Người dân trong vùng thì rất ủng hộ mô hình này. “Đây là một sáng kiến tuyệt vời”, ông Hồ Hùng, một người dân địa phương, phấn khởi nói.

Chi phí 10.000 đồng

Chia sẻ về tiện ích khi sử dụng phao bơi này, anh Thanh cho biết, phao được làm từ những chiếc lốp nhẹ, nên có trọng lượng chỉ từ 1 - 2 kg, phù hợp với trẻ em. Đặc biệt, để làm một chiếc phao bơi, chỉ mất chi phí mua sơn và mua dây dù với giá khoảng 10.000 đồng/cái, trong khi một phao bơi mua ở thị trường, có giá trị sử dụng tương đương phải mất 200.000 đồng.
“Nếu phải mua phao bơi thì chúng tôi không có tiền. Hơn nữa, nếu đặt phao bơi ở các điểm đó, thì rất dễ bị mất trộm. Vì thế, việc sáng chế ra những phao cứu hộ này sẽ vừa tận dụng được nguồn rác thải nhựa, lại vừa an toàn, tiện dụng khi đặt ở những nơi công cộng”, anh Thanh nói.
Anh Thanh cũng cho biết, lúc đầu anh cũng định đi xin săm xe cũ để làm phao bơi, nhưng những chiếc săm xe đã qua sử dụng, thường không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, với thời tiết nắng nóng thì phao được bơm căng, đặt ở ngoài trời vài ngày là hết hơi, không sử dụng được. Còn chai nhựa và lốp xe thì có thể bền tới cả năm.
Chia sẻ về mong muốn của mình, anh Thanh nói: “Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm và đặt ở những điểm ao hồ mà trẻ em thường đến tắm để tất cả các điểm này được đảm bảo an toàn. Tôi cũng mong muốn mô hình “Lốp xe cứu hộ” sẽ được nhân rộng, để vừa đảm bảo chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em, vừa giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”.
Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu, nhận xét: “Mô hình Lốp xe cứu hộ là một trong những mô hình sáng tạo, giúp giảm thiểu tối đa tai nạn thương tích đuối nước, phù hợp với tổ chức Đoàn, vì kinh phí rất thấp và còn bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này trên tất cả cơ sở Đoàn toàn huyện. Phấn đấu đến cuối tháng 6, cơ bản 33 xã, thị trấn sẽ hoàn thành triển khai mô hình”, anh Minh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.