Thành phố 5 giây!

09/09/2017 07:20 GMT+7

Hình ảnh lấn chiếm lòng lề đường , xả rác, xây dựng trái phép... do người dân ghi được có thể đến tận tay lãnh đạo quận, phường chỉ trong vòng 5 giây thông qua thiết bị điện tử cầm tay.

Đó là thực tế tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), và mô hình này được đề xuất nhân rộng cả thành phố.
Kiểm tra, giải quyết tức thì
Ngày 8.9, Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh tiếp nhận gần 10 phản ánh của người dân về vi phạm trật tự đô thị (TTĐT) thông qua phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”. Lúc 9 giờ 36 phút, màn hình máy tính trên bàn làm việc của bà Vũ Thị Hội Diễm, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, xuất hiện tin nhắn mới kèm hình ảnh chụp xe máy lấn chiếm vỉa hè trước số nhà 51 Điện Biên Phủ, P.15. Nội dung tin nhắn cũng cùng lúc xuất hiện trên điện thoại của lãnh đạo UBND P.15 và UBND Q.Bình Thạnh.
Đây là cách làm sáng tạo, bởi thông qua thiết bị điện tử cầm tay, người dân dễ dàng tương tác, gần hơn với cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM

Đến 10 giờ 34 phút, màn hình máy tính của bà Diễm hiện báo cáo của UBND P.15: “Tại thời điểm kiểm tra ghi nhận có 2 xe máy đỗ không đúng quy định. Qua trao đổi với chủ nhà số 51 Điện Biên Phủ, ghi nhận xe vi phạm của nhân viên phun thuốc diệt muỗi do chủ nhà thuê đến phun thuốc. Tổ công tác đã lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu chủ nhà sắp xếp gọn gàng. Nếu tái phạm sẽ bị xử phạt theo quy định”.
Theo giải thích của bà Diễm, khi có phản ánh, đại diện UBND P.15 đã chủ động đến hiện trường kiểm tra, xử lý ngay theo thẩm quyền. Nếu sau khi nhận phản ánh 2 giờ mà phường không chủ động xử lý, báo cáo thì hệ thống tự động nhắc, hoặc lãnh đạo quận sẽ nhắc bằng tin nhắn cũng thông qua hệ thống tự động này.
Bà Diễm cho hay, từ đầu tháng 6.2017 đến nay, riêng lĩnh vực vi phạm TTĐT, phần mềm của quận tiếp nhận 4.130 tin nhắn phản ánh của người dân, trong đó đã xử lý 4.122 phản ánh, 8 phản ánh còn lại đang tiếp tục xử lý.
“Đa phần phản ánh của người dân là chính xác. Lực lượng chức năng đều đến kiểm tra nhắc nhở, xử phạt tại chỗ hoặc lập biên bản để phường, quận ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền”, bà Diễm cho biết.

Kiểm soát mọi lúc mọi nơi
Ông Dương Hồng Thắng, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” được ứng dụng vào việc quản lý, điều hành trong lĩnh vực đô thị thông qua thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại, máy tính bảng...).
Hệ thống bao gồm tổ hợp các phần mềm phục vụ cho 3 đối tượng chính: người dân, chuyên viên và lãnh đạo quận. Các phần mềm này được xây dựng trên nền tảng công nghệ GIS, với nhiều lớp thông tin, các dữ liệu được số hóa liên thông một cách toàn diện, theo chiều dọc lẫn chiều ngang, từ quận đến phường, thanh tra xây dựng... cũng như cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân.
Theo ông Thắng, bất cứ người dân nào cũng có thể tải ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” về điện thoại di động thông qua App Store hoặc CH Play. Ứng dụng này bước đầu có 4 chức năng chính: phản ánh vi phạm TTĐT, tra cứu thông tin quy hoạch, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, đánh giá mức độ hài lòng.
Trong đó, chức năng phản ánh vi phạm TTĐT cho phép người dân phản ánh về vệ sinh môi trường, lấn chiếm lòng lề đường, xây dựng không phép. Khi phát hiện vi phạm, người dân chỉ cần chụp ảnh, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm và thực hiện gửi tin. Ngay lập tức, hình ảnh vi phạm sẽ tự động chuyển đến chủ tịch UBND phường nơi có địa điểm vi phạm, lãnh đạo quận và các phòng ban liên quan.
“Trong vòng 2 giờ kể từ khi nhận tin phản ánh, chủ tịch UBND phường phải cử lực lượng đến địa điểm vi phạm để xử lý. Kết quả xử lý được cập nhật tại chỗ (bao gồm: biên bản hoặc quyết định xử phạt, hình ảnh khắc phục), công khai kết quả xử lý trên ứng dụng để người dân theo dõi, giám sát”, ông Thắng nói và cho biết thêm: “Nếu kết quả giải quyết chưa đạt yêu cầu thì người dân tiếp tục có ý kiến tại nội dung phản ánh để cơ quan chức năng xem xét giải quyết. Tất cả quy trình thực hiện xử lý của cán bộ đều được lãnh đạo từ quận đến phường theo dõi trực tuyến. Kết quả thống kê giải quyết hằng tháng là cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo phường và công chức”.
Người dân dễ tương tác với chính quyền
Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trên cơ sở phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến” với những thành công bước đầu, Sở đã báo cáo và đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo Sở TT-TT mở rộng để triển khai đồng bộ tại UBND 23 quận, huyện còn lại, hình thành ứng dụng “TP.HCM trực tuyến” vào tháng 12.2017 để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về đô thị.
Cũng theo ông Trung, khi ứng dụng phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”, ý thức trách nhiệm của cán bộ được nâng cao, góp phần hạn chế các tiêu cực vì hệ thống đã công khai hình ảnh vi phạm, kết quả xử lý cho người dân giám sát, hiệu quả công việc tăng lên (số lượng xử phạt tăng gấp 10 lần so với trước); lãnh đạo kiểm soát, quản lý được toàn bộ tình hình vi phạm TTĐT địa bàn quận.
Lực lượng trật tự đô thị Q.Bình Thạnh (TP.HCM) theo dõi xử lý hình ảnh vi phạm qua máy tính bảng Ảnh: Đào Ngọc Thạch

“Nhận thức của người dân cũng có nhiều chuyển biến, thông qua đó đã thay đổi hành vi, không dám vi phạm, vì các vi phạm có thể bị phát hiện bất cứ lúc nào”, ông Trung nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá: “Đây là cách làm sáng tạo, bởi thông qua thiết bị điện tử cầm tay, người dân dễ dàng tương tác, gần hơn với cơ quan chức năng”.
Với thiết bị điện tử cầm tay, người dân dễ dàng phản ánh hình ảnh vi phạm

Còn ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay TP đã có chỉ đạo Sở TT-TT mở rộng, nâng cấp đồng bộ ứng dụng trên phạm vi toàn TP. Theo ông Tuyến, thời gian qua, công tác cải cách hành chính luôn được TP quan tâm.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, việc giải quyết hồ sơ hành chính vẫn còn chậm trễ, người dân phải đi lại nhiều lần, vẫn còn ý kiến của người dân phản ảnh về thái độ cán bộ công chức khi thực thi công vụ, nên hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế.

tin liên quan

'TP.HCM phải trở thành đô thị thông minh'
Thông điệp trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại buổi gặp gỡ giới trí thức ngày 28.5.
“Ứng dụng trực tuyến sẽ phát huy được vai trò của người dân trong việc giám sát cũng như đồng hành cùng chính quyền giải quyết những vấn đề dân sinh”, ông Tuyến nói.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở TT-TT, về cơ bản “TP.HCM trực tuyến” sẽ được phát triển trên nền tảng phần mềm “Bình Thạnh trực tuyến”. Theo đó, ứng dụng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng; tra cứu thông tin quy hoạch qua tin nhắn; lấy số thứ tự giao dịch qua mạng hoặc qua tin nhắn...
Bên cạnh đó, phần mềm sẽ có thêm các ứng dụng phục vụ cho các chuyên viên như: cấp phép xây dựng, cấp phép đào đường và sử dụng vỉa hè, cấp số nhà, cấp chứng chỉ quy hoạch, quản lý xây dựng... được hỗ trợ nhiều tính năng như nhắc việc khi hồ sơ sắp đến hạn, tra cứu thông tin dữ liệu cần thiết mà không cần trích lục hồ sơ giấy tờ hoặc liên hệ các cơ quan khác thu thập thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.