Vì thế, khi chính quyền Hồng Kông thông báo nâng lương tối thiểu thêm vỏn vẹn 32 xu Mỹ/giờ (7.500 đồng) từ ngày Quốc tế Lao động 1.5, các nhân viên cộng đồng và những nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động quyết định hành động.
"Chúng tôi cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được", ông Wong Shek-hung, Giám đốc chương trình Hồng Kông, Macao và Đài Loan của tổ chức từ thiện Oxfam. "Mức tăng này không thể bù đắp nhu cầu cơ bản cho cuộc sống ở Hồng Kông", Đài CNN dẫn lời ông Wong.
Sau khi tăng, mức lương tối thiểu ở Hồng Kông giờ đây là 40 HKD/giờ (120.000 đồng), tăng 2,5 HKD so với trước đó, tương đương 32 xu Mỹ hoặc 7.500 đồng.
Mức lương tối thiểu, lần đầu tiên được ấn định vào năm 2011, lẽ ra được rà soát lại mỗi 2 năm/lần. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, quy trình này bị hoãn lại từ năm 2021, đẩy những người thu nhập thấp vào tình thế bấp bênh. Họ bất ngờ khi chỉ được tăng lương thêm 7.500 đồng sau khi chờ đợi suốt thời gian qua.
Trong khi đó, Hồng Kông là nơi vô cùng đắt đỏ để sinh sống. Năm 2022, Hồng Kông đồng hạng tư với thành phố Los Angeles (bang California, Mỹ) về chi phí sống, theo Chỉ số Sinh hoạt Toàn cầu do công ty Economist Intelligence Unit (EIU, trụ sở ở Anh) công bố. Ba hạng đầu lần lượt thuộc về thành phố New York (bang New York, Mỹ), Singapore và thành phố Tel Aviv (Israel).
Để so sánh, thành phố New York có mức lương tối thiểu 15 USD/giờ (352.000 đồng), và mức lương tối thiểu ở thành phố Los Angeles là 16,78 USD/giờ. Lương tối thiểu ở Tel Aviv dao động từ 8,27 đến 8,45 USD/giờ, tùy theo tổng số giờ lao động trong ngày. Lương tối thiểu tại Singapore có sự khác biệt giữa các ngành nghề và chỉ áp dụng cho công dân Singapore và người định cư lâu dài.
Oxfam cho hay mức lương mới tại Hồng Kông vẫn thấp hơn khoản tiền mà một gia đình hai người nhận được thông qua chương trình an sinh xã hội của thành phố, và vì thế có thể khiến người lao động mất động lực làm việc. Tổ chức này thúc giục chính quyền đặc khu hành chính hãy nâng lương tối thiểu lên ít nhất 45,4 HKD/giờ (5,78 USD).
Tuy nhiên, ông Tôn Ngọc Hàm, người đứng đầu Cơ quan Lao động và Phúc lợi xã hội Hồng Kông, từ tháng 1 đã bác bỏ tranh luận trên. Ông cho rằng nhiều người muốn làm việc thay vì ngồi nhà tiếp nhận phúc lợi xã hội vì họ nghĩ rằng đi làm giúp con người sống có giá trị hơn.
Bình luận (0)