Thành phố như một tuyệt tác tập thể

25/02/2022 07:00 GMT+7

Tọa đàm “Thành phố như một tuyệt tác tập thể” diễn ra ngày 24.2 tại Hà Nội cho thấy có những nhóm xã hội đang kiến tạo một Hà Nội đáng sống .

Chị Đỗ Thị Út, một người làm móng dạo đã chụp ảnh một công viên nhỏ. Ở đó, hoa lá đan xen và có những chiếc ghế đá. Đó là nơi chị hay nghỉ chân sau những chặng đường dắt xe đạp qua các con phố để làm nghề. “Nhiều khi mỏi chân nhưng phải cố dắt xe đến đây để nghỉ ngơi vì ở đây tôi sẽ được tự do, không có cảm giác phiền hà đến ai… Sau khoảng 10, 15 phút hít không khí trong lành là có thêm năng lượng để làm việc tiếp”, chị Đỗ Thị Út chia sẻ trong dự án Photo voice về lao động nhập cư ở Hà Nội. Dự án do Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống thực hiện năm 2021 được nói đến trong tọa đàm Thành phố như một tuyệt tác tập thể.

Trẻ em được vui chơi sẽ giúp đô thị đáng sống hơn

Vì một Hà Nội đáng sống

Anh Vũ Văn Toàn, một thành viên ban tổ chức dự án Photo voice, cho biết có 34 người lao động di cư tham gia, gồm 12 nam và 22 nữ. Họ làm nhiều công việc khác nhau. Sau khi chụp 1.500 bức ảnh, dự án đã chọn ra 98 ảnh và 64 câu chuyện để chia sẻ. “Việc kể chuyện bằng ảnh rất thuận tiện cho người lao động di cư. Họ quan sát thấy gì thì họ chụp. Câu chuyện là góc nhìn của họ”, anh Toàn nói. Trong đó, có những câu chuyện về việc lao động chăm chỉ, về không gian công cộng, môi trường, văn hóa ẩm thực và giao thông. Nhờ đó, ban tổ chức có thể thấy rõ người lao động nhập cư cảm thấy thành phố là của mình khi được kết nối với nó. Những câu chuyện cũng cho thấy đóng góp của lao động nhập cư cho thành phố.

Không chỉ có vậy, dự án Photo voice sau này còn đem đến những kết nối thú vị hơn. Ông Lê Quang Bình, người sáng lập Vì một Hà Nội đáng sống, cho biết dự án Photo voice giúp ông có cơ hội thăm nơi người nhập cư sống. Đến thăm Phúc Tân, ông được thấy khu đất mà các chị hay cùng nhau luộc khoai sắn mang đi bán. Khu đất 300 m² này cũng là nơi cộng đồng hay để rác. Không gian gồ ghề và bẩn. Do đó, ông nảy ra ý nghĩ làm sao cải tạo khu đó, và dự án không gian công cộng Tổ 16 Phúc Tân ra đời.

Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, doanh nghiệp xã hội Think playgrounds, cho biết Phúc Tân là nơi rất tiềm năng để có không gian công cộng. Nó cũng là nơi được coi là bờ rìa thành phố. Khi dự án làm sân chơi bắt đầu, người dân nghi ngờ và phản đối vì sợ mất đất. “Thời điểm đó những vấn đề liên quan đến hạ tầng cũng cần phải giải thích. Nhưng khi làm sân chơi thì mọi người rất ủng hộ”, ông Đạt nhớ lại. Sân chơi Phúc Tân đã trở thành một không gian nghệ thuật thu hút già trẻ lớn bé, cả người nhập cư lẫn người dân sống lâu năm ở đó.

Ông Bình cũng cho biết về dự án sân chơi tại bờ vở (ven) sông Hồng. Khu vực này có nhiều cây xanh lâu năm, nhưng lại bẩn thỉu vì lượng rác tích tụ lớn, vấn đề xả thải trực tiếp, và có chỗ nhà nước xây rào. “Làm sao có thể kết không gian có nhiều cây xanh đó lại. Nếu toàn bộ diện tích bờ ven sông Hồng thành một công viên thì nó còn lớn hơn cả Central Park ở New York”, ông Bình nói. Dự án sân chơi kết hợp vườn rừng này cũng vừa khánh thành.

Trồng cây ở vườn rừng công cộng bên sông Hồng

Nhân rộng thành phố tuyệt tác

Bà Chu Kim Đức, doanh nghiệp Think Playgrounds, cho biết đa số cộng đồng dân cư không thể đọc hiểu một bản thiết kế. Họ chỉ hiểu khi tiến hành làm. Vì thế, việc thảo luận với nhau trong quá trình làm rất quan trọng. “Cộng đồng tham gia là cách tốt nhất để cải tạo không gian sống của chính họ chứ không phải việc mình lại duy ý chí”, bà Đức nói.

Vì thế, trong sân chơi Phúc Tân và bờ vở, người dân được hỏi ý kiến rất kỹ, nhất là trẻ em. “Lúc làm sân chơi tôi cũng nhìn thành phố từ chiều cao 65 cm - là chiều cao trẻ em. Khi được hỏi ý kiến, bé Thỏ - một em nhỏ sống ở đây đã nói cháu chỉ ước mơ bãi rác này biến mất đi. Cuối cùng thì bãi rác cũng biến mất. Sân còn có thiết bị vui chơi mà các em thể hiện qua đất nặn”, ông Đạt nhớ lại.

PGS-TS Phạm Quỳnh Phương, ĐH Quốc gia Hà Nội, đánh giá dự án Photo voice đã trao tiếng nói cho những người vốn bình thường không có cơ hội cất lời và có cất cũng không có cơ hội được lắng nghe. Hai dự án còn lại cho thấy vấn đề của cộng đồng và không gian công cộng. “Trước tết, người dân còn nghi ngờ về sân chơi, sau đó họ tin vào thành công tiếp theo. Đó là bước tiến dài. Nó cho thấy cách thức huy động cộng đồng, ta không được coi cộng đồng như khối thống nhất, cộng đồng phức tạp và có những mong muốn khác nhau. Còn về không gian công cộng, nó luôn là điểm châm cứu cho thành phố. Đó là điểm để nghỉ ngơi, kết nối cộng đồng, chữa bệnh đô thị”, PGS-TS Phương nói.

PGS-TS Phạm Thúy Loan, một chuyên gia kiến trúc đô thị, cho rằng có thể thấy qua các dự án vai trò của chính quyền vẫn có nhưng không nhiều bằng cộng đồng. “Nó khác với việc chính quyền đổ tiền đầu tư, không đảm bảo cái chính quyền mang đến sẽ phù hợp với dân.

Đây cũng là cách làm của tương lai”, bà Loan nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.