Tôi đã ở Hà Nội nhiều năm thời tuổi mới lớn. Lúc đó, với tôi, Hà Nội cũng "chỉ là nơi đất ở" thôi. Còn lúc đã trưởng thành, vào bộ đội, rồi đi chiến trường Nam bộ trước 1975, đúng là khi ấy, với tôi, Hà Nội đã hóa tâm hồn.
Hà Nội ngày ấy đang gồng mình chống chiến tranh phá hoại, thành phố thật nghèo. Cả thành phố rất ít thấy có ti vi. Ô tô con quá ít. Chỉ toàn xe đạp là xe đạp. Và rất, rất nhiều người đi bộ. Vỉa hè thông thoáng, phố xá sạch làu vì người dân không vứt rác ra phố. Kham khổ, nghèo cực nhưng lành sạch. Đúng là khi "đất bỗng hóa tâm hồn", thì đất ấy phải là đất sạch.
5 năm ở chiến trường xa, tôi đã nhớ Hà Nội da diết. Nếu hồi ấy có ai hỏi tôi: "Về ẩm thực Hà Nội thời ấy, anh nhớ nhất món gì?", tôi sẽ trả lời ngay: "Tôi nhớ nhất bia hơi Hà Nội". Bia hơi Hà Nội hồi ấy, thì nhiều loại bia bây giờ còn thua xa. Ngày học đại học sơ tán tận núi rừng Thái Nguyên, mỗi khi có dịp về Hà Nội, bạn bè cùng lớp lại rủ nhau tới mấy quán bia hơi quen thuộc. Dù ít tiền, nhưng mỗi đứa cũng chắt bóp uống được vài vại bia. Mỗi vại bia hơi thơm ngon chỉ có 3 hào.
Sau năm 1975, tiếp tới thời bao cấp khốn khó, nhưng bia hơi Hà Nội vẫn rất ngon. Tôi còn nhớ, vào năm 1983, thời cao điểm cực khổ của bao cấp, khi ra Hà Nội dự đại hội nhà văn lần thứ 3, xúc động trước tình cảm bạn bè anh em, lâng lâng với một Hà Nội mà đã phải cách xa tới 6 năm giờ gặp lại, tôi đã viết bài thơ khá dài Hà Nội nhìn từ phía tôi.
Khi nhà thơ Việt Phương đọc bài thơ này cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nghe, anh Điềm đã nhận xét: "Đó là một bản tụng ca về Hà Nội, theo kiểu Thanh Thảo".
Có một đoạn thơ trong bài thơ Hà Nội nhìn từ phía tôi như thế này:
Hà Nội trong cặp lồng cơm ít ỏi của em
Hà Nội trong bàn tay phồng dộp đen điu vì nắm than của bạn
Hà Nội trong chuyến tàu điện thở rít lên
Hà Nội trong tách cà phê pha nghiêm túc
Hà Nội phiêu du qua trang sách dưới đèn mờ giờ mở ti vi
Hà Nội của những thi sĩ cuồng thơ của những người yêu thơ
thầm lặng.
Xin nhớ lại một chút, hồi ấy, điện Hà Nội rất yếu, cứ vào giờ mở ti vi (khoảng 7 giờ tối) là các bóng đèn nê-ông không sáng lên được, còn các bóng đèn tròn thì phát ra ánh lờ mờ vàng vọt. Vậy mà người Hà Nội vẫn say mê đọc sách dưới ánh sáng đèn tù mù ấy. Và dù mỗi bữa đi làm người Hà Nội mang theo cặp lồng cơm ít ỏi của mình, nhưng các quán cà phê vẫn pha những tách cà phê "nghiêm túc", uống vào là biết ngay.
Hà Nội là như thế, làm sao không nhớ không yêu cho được.
Về sau này, dù định cư ở quê Quảng Ngãi, nhưng mỗi năm tôi đều có dịp ra Hà Nội vài lần. Với tôi, thì Hà Nội có thay đổi tới đâu, đó vẫn là thành phố tôi gắn bó nhiều nhất. Với bạn bè, với từng góc phố nhỏ, với bát phở tái lăn ở quán phở Thìn Lò Đúc, với những món ăn dân dã mà tôi rất thích ở nhà chị Thanh, vợ nhà văn - dịch giả Nguyễn Trung Đức.
Anh Nguyễn Trung Đức mất đã lâu, nhưng căn nhà tập thể của vợ chồng anh ngày bao cấp vẫn là nơi tụ họp của bạn bè văn nghệ chúng tôi, bây giờ lần nào ra Hà Nội tôi vẫn tới ăn một bữa cơm rau dưa ở nhà chị Thanh. Với tôi, căn nhà nhỏ ấy cũng là Hà Nội, nó lại ở ngay phố Tràng Tiền.
Với các bạn trẻ yêu thích tới thăm Hà Nội, nơi "mùa nào hoa ấy", thì những gánh hoa tươi, những xe đạp hàng rong bán hoa vẫn còn rong ruổi trên các phố, nó là một nét văn hóa rất đáng yêu của Hà Nội. Đừng bao giờ để mất, vì không chỉ người Việt chúng ta, mà bạn bè quốc tế khi du lịch tới Hà Nội đều yêu thích những gánh hàng hoa này.
Từ nhiều năm nay, vùng Mê Linh, Đông Anh đã thành vùng trồng hoa chuyên canh với rất nhiều giống hoa đẹp, vừa là vựa hoa cung cấp hoa cho Hà Nội và cả nước, vừa là điểm du lịch ưa thích của các bạn trẻ.
Nói về ẩm thực Hà Nội, lĩnh vực mà theo người ta quan niệm, là không thể tranh cãi, nhưng ai tới Hà Nội vẫn muốn được ăn một bát phở. Phở Hà Nội dĩ nhiên là kinh điển rồi. Và có không ít những quán phở ngon. Như phở tái lăn Lò Đúc, phở Thìn Bờ Hồ, phở 42 Bát Đàn…, và còn nhiều nữa.
Có quán phở ở dốc phố Hòe Nhai, rất ngon nhưng ít người biết, vì nó tọa lạc ở một nơi khá vắng vẻ. Còn bánh cuốn nóng, bún riêu, bánh đa cua, bánh đa đỏ cá rô đồng, miến ngan Sinh Từ (sau này phố đổi tên là Nguyễn Khuyến), rồi bún ốc nổi tiếng từ xưa ở ngõ chợ Đồng Xuân và chợ Hàng Da.
Tôi nhớ thời bao cấp, nhà nghiên cứu văn hóa Đào Hùng thường dẫn tôi ra ăn bún ốc chợ Hàng Da. Quả là danh bất hư truyền, đã ngon còn rẻ.. Nhà thơ Nguyễn Duy nhịp một câu thơ Có món ngon nào giá rẻ không em?, xin trả lời: "Có khối ra đấy, cứ ra Hà Nội mà coi!". Coi mà không ăn là mang tội đấy.
Riêng tôi, có một món ngon giá rẻ mà mỗi lần ra Hà Nội tôi vẫn thích ăn, đó là món xôi lúa (tức xôi ngô, xôi bắp). Đó là món ăn sáng giản dị nhất, rẻ nhất, mà theo tôi, cũng đứng vào hàng ngon nhất. Nhớ thời bao cấp, mỗi lần ra Hà Nội tá túc nhà anh Nguyễn Trung Đức, cứ buổi sáng 2 anh em chúng tôi thường ăn xôi lúa, mỗi người một gói xôi lúa gói lá sen, sau đó uống trà Thái Nguyên. Thế là thỏa nguyện, chuyện nở như… ngô rang.
Ngoài chuyện ăn, Hà Nội còn khối điểm du lịch vừa phong cảnh vừa lịch sử, nhưng tôi lại thích một điểm và một kiểu du lịch như này. Đó là khoảng 9 giờ tối ra Quảng trường Ba Đình xem lễ hạ cờ trước Lăng Bác. Thật trang nghiêm, mà rất thú vị.
Mỗi tối như thế, Ba Đình đón hàng nghìn bà con chủ yếu từ các tỉnh về Hà Nội tới Lăng Bác xem lễ hạ cờ. Khó có thủ đô nào trên thế giới mà hằng đêm, người dân đi xem lễ hạ cờ như ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội.
Có bao nhiêu điều thú vị mà sâu sắc khi ta tới tìm hiểu hay vui chơi ở Hà Nội. Đúng là "Thứ nhất Kinh kỳ", như câu thiệu ngày xa xưa.
Kinh thành Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội nay là mảnh đất thiêng ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trải qua hơn 1.000 năm hình thành và phát triển, kể từ khi vua Lý Thái Tổ chọn khu đất Đại La bên cửa sông Tô Lịch làm nơi định đô cho muôn đời. Nơi đây, đã có rất nhiều thay đổi về mọi mặt, đặc biệt đổi thay về địa danh, địa giới, tổ chức hành chính.
Ngày 19.8.1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Hà Nội. Ngày 2.9.1945, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thủ đô: Hà Nội.
Năm 1974, tổng điều tra dân số lần thứ 2, Hà Nội có số dân 1.378.335 người, nội thành có 736.211 người, ngoại thành có 642.124 người.
Năm 1979, tổng điều tra dân số lần thứ 3, Hà Nội có 2.570.905 người, trong đó nội thành: 788.705 người, ngoại thành: 1.782.200 người.
Ngày 29.5.2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, diện tích tự nhiên hơn 334.470 ha; dân số 6.232.940 người (bao gồm cả diện tích, dân số của tỉnh Hà Tây; huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình).
Nguồn: Cổng thông tin điện tử UBND TP.Hà Nội
Bình luận (0)