Từ ngày biết Sài Gòn tháng 5.1975, tôi đã biết những con hẻm. Mấy anh em chúng tôi ở rừng về thành phố, cứ thích đi bộ tới những nơi dân thật nghèo ở và sinh sống. Chỉ trong những con hẻm thời ấy mới có những cảnh đời như thế này: người dân quá nghèo dùng bìa các tông bỏ đi dựng nhà, dĩ nhiên là ở trong các con hẻm nhỏ, và họ sống ở đó. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong những "ngôi nhà" bằng các tông ấy.
Tôi yêu Sài Gòn bắt đầu từ những con hẻm.
Rất nhiều năm sau này, khi đứa con trai thứ của vợ chồng tôi đi học, rồi ra trường đi làm, rồi lập gia đình, rồi sinh những 3 đứa con, đều ở trong các con hẻm.
Nếu gọi TP.HCM là "Thành phố nghĩa tình", thì tình nghĩa ấy bắt đầu từ trong những con hẻm.
Người sống ở các con hẻm là người tứ xứ, khi tụ về Sài Gòn họ vẫn giữ được hồn cốt của những người nhà quê, sống thiệt thà đôn hậu, gắn bó với nhau, hay chuyện trò thân mật cùng nhau, nói như ông bà mình ở quê là "tối lửa tắt đèn" có nhau.
Gương mặt những con hẻm ở Sài Gòn cũng không giống nhau, độ rộng dài khác nhau, những cư dân trong hẻm cũng làm bao nhiêu việc, bao nhiêu nghề khác nhau, nhưng họ giống nhau ở cách sống nghĩa tình.
Có những người hướng dẫn du lịch, những giám đốc công ty du lịch Sài Gòn đã mong muốn, như một chuyên gia du lịch đã khẳng định:
"Hẻm là đặc sản du lịch sôi động nhất về nhịp sống Sài Gòn, nơi du khách có thể mục sở thị mọi sinh hoạt thị dân, từ gia đình cho tới cộng đồng. Họ thân thiết và tương trợ nhau như ở các làng quê".
Như thế là hoàn toàn có thể thiết kế những tour "du lịch hẻm" mà khách du lịch có thể "đi hoài không hết, tìm hiểu mãi chưa xong" về các con hẻm và người sống trong hẻm Sài Gòn.
Tôi rất thú vị nếu ý tưởng du lịch này sớm thành hiện thực.
Nếu bạn yêu Sài Gòn bắt đầu từ những con hẻm, thì chúng ta dễ thành bạn của nhau.
Cách đây 3 năm, tôi viết được bài thơ về Sài Gòn nhan đề Sài Gòn "bao" đủ thứ, có những câu thơ như thế này:
Tôi yêu Sài Gòn từng con hẻm
người quê xa lại rất chơn tình
ngày Tết Đoan Ngọ, ngày rằm tháng Bảy
vẫn biếu nhau vài cái bánh vài chùm quả
"ăn lấy thảo mà anh!"
tôi yêu Sài Gòn màu xanh
ở thành phố mà cứ như ở làng
con tôi ngày trọ học được bà chủ nhà thương
như con đẻ
tôi từ Quảng vào thăm con, bà mời tôi ăn cơm tấm ghế
như mời người trong nhà
bây giờ cứ xót xa
sao ngày ấy mình chưa thương Sài Gòn đúng cỡ.
Mà "thương đúng cỡ" chính là thương từ những con hẻm. Người trong cùng hẻm vẫn đối xử với nhau theo cách "ngày Tết Đoan Ngọ, ngày rằm tháng Bảy/ vẫn biếu nhau vài cái bánh vài chùm quả/ "ăn lấy thảo mà anh!". Thật cảm động.
Những khi cần giới thiệu Sài Gòn với bạn bè trên thế giới, tôi nghĩ, nếu chúng ta giới thiệu những con hẻm ở Sài Gòn, từ lịch sử tới hiện tại, giới thiệu những đặc sắc của những con hẻm, để từ đó, du khách quốc tế có thể nhận ra những khác biệt giữa Sài Gòn với nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, thì lo gì du khách quốc tế không chọn những tour du lịch hẻm Sài Gòn cơ chứ.
Sài Gòn là thành phố có rất nhiều tính cách đặc sắc, trong đó những cư dân trong các con hẻm sở hữu một cách sống không chỉ đặc sắc mà còn tiêu biểu về đối nhân xử thế, về tình nghĩa mà người Việt Nam quý trọng và tự hào.
Tìm hiểu về nhịp sống, về hoạt động của hẻm trong ngày, người ta nhận thấy chiều tối là lúc hẻm sôi động và ấm áp nhất. Bữa cơm tối làm nên sự sum họp, an vui và tình cảm gia đình.
Còn sáng sớm, người già tập thể dục, quán xá nhộn nhịp điểm tâm, trẻ con í ới gọi nhau đi học; người lớn tuổi tụ tập uống trà, hàn huyên bao chuyện.
Tôi cũng có những dịp đi nước ngoài, nhưng nói thật, những cảnh sinh hoạt như trong các con hẻm Sài Gòn thì chưa thấy.
Nếu chúng ta giới thiệu được những cảnh sinh hoạt của cư dân trong các hẻm Sài Gòn, tôi tin người nước ngoài đến du lịch Việt Nam sẽ rất thú vị, và họ "một đi còn nhiều lần trở lại".
Có thể lớp trẻ ngày nay sống có khác với những người lớn tuổi, cũng như những con hẻm ngày nay được mở rộng nhờ chính quyền vận động và nhân dân hưởng ứng hiến đất, nhưng "hồn những con hẻm" thì vẫn vậy. Nó bắt đầu từ những vùng nông thôn trong cả nước, nó đặc biệt tiếp thu cách sống "tình làng nghĩa xóm" để một thành phố lớn không chỉ "nhà nào biết nhà ấy" như tất cả những thành phố lớn khác trên thế giới.
Trong các con hẻm Sài Gòn, không chỉ có quyền riêng tư, mà còn có quyền cộng đồng, biết sống vì người khác, nghĩ về người khác.
Đó chẳng phải là đạo đức Việt Nam mà chúng ta đang biểu dương và gìn giữ đó sao?
Bình luận (0)