Thành phố sáng tạo và công nghệ: Chuyên gia hiến kế gì cho Huế?

17/06/2019 12:53 GMT+7

Các chuyên gia kinh tế và công nghệ nổi tiếng vừa hiện diện tại cố đô Huế để tham dự diễn đàn hiến kế xây dựng thành phố sáng tạo và công nghệ.

Cuối tuần qua, diễn đàn "Sáng tạo - Khởi nghiệp - Công nghệ" nằm trong chương trình “Huế - sáng tạo để phát triển” do Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên-Huế phối hợp với Trường CĐ Công nghiệp Huế, Hội Doanh nhân trẻ, CLB Khởi nghiệp Huế tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến thú vị từ các chuyên gia kinh tế và công nghệ nổi tiếng.

Định danh trên nền kinh tế số

Liệt kê 4 thế mạnh riêng có (vùng di sản văn hóa, cố đô được giữ gìn khá nguyên vẹn, có vùng đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á - hơn 22.000 ha, nguồn nhân lực dồi dào), ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, vẫn tự vấn vì sao địa phương chưa phát triển ngang tầm với những gì đang sở hữu và đặt ra nhu cầu về một “cú hích” để phát triển. “Huế đang chuyển mình và thật sự đổi mới từ nhận thức đến hành động. Tôi mong muốn Huế phát triển nhanh trên nền tảng hệ tri thức và phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa”, ông Thọ gợi ý.
Lâu nay, Huế nói nhiều về chiến lược phát triển, nhưng nếu người Huế thờ ơ với quê hương và giới trẻ, doanh nghiệp không đồng hành thì sẽ không làm được

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Dũng

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT, thành viên về tư vấn chính sách phát triển công nghệ của Chính phủ, cho rằng để góp ý cho Huế về phát triển kinh tế số, ông đã đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng quốc tế. Ông thử vào các công cụ tìm kiếm các cụm từ mà người tiêu dùng toàn cầu sẽ nghĩ đến và Huế có thế mạnh như: di sản văn hóa, ẩm thực, áo dài, tranh… để xem Huế được định vị ở đâu. Tuy nhiên, theo ông, kết quả thật bất ngờ khi Huế không có trong top đầu của các công cụ tìm kiếm, đồng nghĩa với việc Huế đang có trong tiềm thức của mọi người nhưng lại… chưa được định danh trong “trí nhớ” của nền kinh tế số.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Thế Trung đưa ra một số kịch bản về phát triển của VN trong thời kỳ cách mạng 4.0 để TP.Huế lựa chọn. Trong đó, Huế cần sự khác biệt, phải có những liên minh huy động từ doanh nghiệp và người dân. Câu hỏi đặt ra là Huế tiếp cận nền kinh tế số như thế nào và cung cấp sản phẩm, dịch vụ gì cho người tiêu dùng của nền kinh tế số? Chuyên gia này gợi ý 3 cách tiếp cận: Từ trên xuống (xác định đang ở đâu trong nền kinh tế số để có kế hoạch tổng thể); từ dưới lên (tận dụng kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, có những liên minh thực hiện sáng kiến); thực hiện cả 2 cách tiếp cận vừa nêu cùng một lúc. Đơn cử từ chương trình “Huế xanh-sạch-sáng” như một cách thức định danh về di sản văn hóa và môi trường trên nền kinh tế số, tiếp theo Huế có thể có thêm những chương trình như “Huế thông minh và sáng tạo”…

Nhiều “hình mẫu” cho Huế

Doanh nhân Albert Antoine, chuyên gia công nghệ từng có nhiều dự án về Smart city cho Hồng Kông và Singapore, cũng cho rằng muốn phát triển thì tư duy và tầm nhìn luôn là vấn đề quan trọng.
Ông Albert Antoine tương quan cố đô Huế với cố đô Kyoto (Nhật Bản), nơi có hàng trăm trường đại học với hàng chục giải thưởng Nobel được xác lập, và gợi ý địa phương cần phát triển đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ để cung cấp cho các thành phố phát triển năng động như Đà Nẵng. Là một người gốc Huế, ông Albert Antoine cho hay rất sẵn sàng đưa một dự án phát triển công nghệ cho quê cũ.
Ông Lâm Vinh Giang, Giám đốc điều hành của RDA Việt Nam, lại gợi ý Huế có thể lấy Boston (Mỹ) làm hình mẫu, tập trung vào thế mạnh để tạo sản phẩm xuất khẩu.
Theo ông Giang, Boston là thành phố nhỏ nhưng có tư duy lớn khi xây dựng “thương hiệu” hàng đầu thế giới về giáo dục - công nghệ. Hiện tại, TP.Huế ủng hộ các doanh nghiệp khởi nghiệp tốt, tuy nhiên tư duy của doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương này có nhiều khía cạnh không bằng các doanh nghiệp ở đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
Vì vậy, theo ông Lâm Vinh Giang, Thừa Thiên-Huế cần có chính sách hỗ trợ bằng các chương trình đào tạo tư duy khởi nghiệp cho họ. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Dũng đặt ra vấn đề về tư duy lãnh đạo. “Lâu nay, Huế nói nhiều về chiến lược phát triển, nhưng nếu người Huế thờ ơ với quê hương và giới trẻ, doanh nghiệp không đồng hành thì sẽ không làm được”, ông Dũng nói.

Đề xuất lập quỹ phát triển

Tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Dũng đề nghị xây dựng ngay Quỹ phát triển Huế do chính người Huế và doanh nghiệp đóng góp. Theo chuyên gia này, Thừa Thiên-Huế có gần 6.000 doanh nghiệp, nếu trung bình mỗi doanh nghiệp đóng góp 1.000 USD thì đã có ít nhất 6 triệu USD. “Có nguồn lực, tỉnh phải có hành động cụ thể để giữ chân nhân tài và đưa người tài về với Huế”, ông Dũng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.