Bắt đầu từ những năm 2000, làn sóng thành phố thông minh đầu tiên được thúc đẩy bởi các công ty công nghệ lớn như IBM, Google,... Đối với các công ty này, công nghệ là thành phần quan trọng nhất trong quan điểm của họ về thành phố thông minh. Các tập đoàn lớn trên tập trung đưa ra những giải pháp công nghệ cho nhiều lĩnh vực của các thành phố lớn (năng lượng, nước, giao thông,..) và khái niệm “thành phố thông minh” lúc đó được định nghĩa như là những thành phố công nghệ, nơi mà mọi thứ được phát triển và hiệu quả hơn nhờ đến các giải pháp ứng dụng công nghệ khác nhau.
Thành phố công nghệ, như được định nghĩa ở trên, là những thành phố được đặt trọng tâm vào các giải pháp công nghệ để có thể giải quyết các vấn đề trong thành phố. Các thành phố công nghệ thường bị cuốn vào một phương trình bắt đầu từ công nghệ và kết thúc bằng công nghệ, rồi đưa vào một vấn đề xã hội vào giữa phương trình đó. Tất nhiên, công nghệ là nền tảng cho chiến lược số hóa cộng đồng, nhưng nó phải đóng vai trò như một phương tiện để đạt được mục đích - một kết quả có lợi cho xã hội - chứ không phải là mục đích cuối cùng cần đạt được.
Một ví dụ có thể kể đến chính là thành phố Songdo (Hàn Quốc). Tất cả mọi yếu tố cuộc sống ở đây đều được cải thiện bởi một mạng lưới máy tính (ICT) từ khí hậu cho đến việc liên lạc hằng ngày. Công nghệ có mặt ở khắp nơi. Ở đây không có những chiếc xe rác vì rác thải được tự động xử lý tại mọi nhà và được tái sử dụng thành điện năng, những công nghệ tiên tiến nhất về xử lý nước sạch tự động. Được thiết kế cho hơn 300.000 cư dân, dù vậy từ năm 2015 cho đến nay, thành phố Songdo mới chỉ thu hút được hơn 70.000 dân cư đến đây sinh sống. Một con số cách khá xa với kỳ vọng của các nhà làm hoạch định.
Theo nhiều chuyên gia, Songdo đã quá tập trung phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề ở trong thành phố mà dường như đã quên đi tác động của những giải pháp này tới cuộc sống của con người ở đây. Điều này khiến các giải pháp công nghệ trở nên quá tầm với của nhiều người.
Barcelona là một trong những thành phố thông minh thành công ở châu Âu với việc đặt người dân là trọng tâm và sử dụng các ứng dụng công nghệ để hỗ trợ trong việc phát triển thành phố. Người dân ở và chính quyền ở đây có thể giao tiếp qua một nền tảng công nghệ có tên là Decidim (dịch ra là Chúng tôi quyết định). Thông qua nền tảng công nghệ này, người dân có thể biết được chính phủ đang làm gì và đóng góp ý kiến của mình. Bởi nếu bắt đầu với công nghệ mà không có ý tưởng rõ ràng về lý do tại sao lại triển khai công nghệ đó, và cho những nhu cầu nào, thì những vấn đề thực tế của người dân vẫn còn tồn đọng và chỉ giải quyết được các vấn đề kỹ thuật trước mắt.
Đồng thời, qua nền tảng này, chính quyền của Barcelona có thể tiếp nhận ý kiến của người dân và phát triển thành phố theo chính sáng kiến của người dân nơi đây. Theo các dữ liệu thu thập, có tới hơn 70% các sáng kiến được đến trực tiếp từ người dân. Nền tảng này giúp tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, góp phần tạo nên một thành phố thông minh.
Theo ông Nguyễn Công Hồng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark, một trong những yếu tố kiên quyết đầu tiên để xây dựng một thành phố thông minh và đáng sống là lựa chọn quy hoạch.
Sau đó, câu chuyện hạ tầng xã hội phải đi trước một bước để phục vụ cư dân. Nhà phát triển bất động sản phải đặt mình ở vị trí là khách hàng để thấy những nhu cầu cơ bản cho một nơi đáng sống đó là nhu cầu về trường học, y tế, dịch vụ. Ngoài ra, cần tạo sự khác biệt mà nơi đó con người phải gần gũi với thiên nhiên, môi trường. Để đạt được điều này không chỉ là tiêu chí quy hoạch, tỷ lệ quy hoạch mà phải quan tâm tới không gian xanh, không gian mở. “Một khu đô thị dù có đẳng cấp nhưng nếu không có cư dân sẽ không trở thành một khu đô thị đáng sống. Áp dụng triết lý này, ngoài những tiêu chí đã nêu ở trên, Ecopark còn xây dựng đa dạng sản phẩm, để thỏa mãn nhu cầu thị trường, biến Ecopark trở thành khu đô thị của tất cả mọi người”, ông Nguyễn Công Hồng chia sẻ.
Hướng tới xây dựng mô hình thành phố thông minh, đáng sống dựa trên những nền tảng đã xây dựng, nhằm mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tháng 5.2019, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Ecotek (công ty con của Tập đoàn Ecopark) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược triển khai dự án Đô thị thông minh bền vững Metropoli Ecosystems - một trong những tập đoàn uy tín hàng đầu thế giới về Quy hoạch và Đô thị thông minh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm - Tổng giám đốc Ecotek cho biết, yếu tố con người chính là sự khác biệt giữa một thành phố công nghệ và thành phố thông minh.
Bài & Ảnh: Ecopark