Số liệu thống kê mới đây của nền tảng thanh toán trực tuyến Payoo cho thấy lĩnh vực giáo dục có tốc độ chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến cực kỳ nhanh chóng với việc người học thanh toán học phí trực tuyến tăng gấp 10 lần sau đợt giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 làm cho người học phải thích nghi với học trực tuyến |
đ.l |
Giáo dục là lĩnh vực chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến nhanh nhất
Theo báo cáo của Payoo, kể từ thời điểm nhiều địa phương mở cửa trở lại ngày 1.10, nhiều ngành nghề, lĩnh vực có sự phục hồi, trong đó mảng siêu thị hàng tiêu dùng, hàng điện máy và mảng giáo dục tăng mạnh nhất.
Báo cáo của Payoo đưa ra nhận định này dựa trên số lượng giao dịch thanh toán của người học trên nền tảng do công ty này cung cấp cho đối tác là các trường học, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm đào tạo kỹ năng...
Cụ thể, tính từ đầu tháng 10 đến nay, mảng thanh toán trực tuyến của nhóm giáo dục đã có mức tăng trưởng bứt phá với mức tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ tháng 4.2021.
Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bùng phát vào tháng 7 và 8, hệ thống Payoo cũng ghi nhận thêm nhiều đơn vị lớn trong lĩnh vực giáo dục đăng ký mới giải pháp thanh toán trực tuyến.
Theo đánh giá của Payoo, điều này thể hiện mảng giáo dục là lĩnh vực chuyển đổi từ trạng thái trực tiếp sang trực tuyến nhanh nhất. Để đáp ứng trạng thái "bình thường mới", các đơn vị giáo dục đều chuyển sang dạy và học trực tuyến nên để giúp người học thuận tiện hơn tham gia các khoá học này, các đơn vị giáo dục đều mở rộng phương thức thanh toán trực tuyến để người học đóng học phí. Nhiều đơn vị giáo dục trước kia chưa chú trọng việc thanh toán trực tuyến cũng phải tham gia thiết kế hình thức này cho người học.
Chuyển dịch thói quen học tập
Việc sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến trung gian được xem là phương tiện giúp người học tiếp cận việc học, đóng học phí, lệ phí thi thuận lợi hơn. Hơn 1.500 trường học tại TP.HCM đang áp dụng thanh toán học phí thông qua các ví điện tử, thẻ ngân hàng với đề án thẻ học đường SSC
Trong những năm gần đây, thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM có thể đóng học phí qua các hình thức thanh toán trực tuyến rất thuận tiện.
Bên cạnh đó, những đơn vị tổ chức kỳ thi năng lực, kỹ năng, chứng chỉ cũng đã chuyển sang hình thức đóng lệ phí bằng cách thanh toán trực tuyến để thuận lợi cho người tham gia thi để phù hợp với tình hình giãn cách xã hội hoặc hạn chế tiếp xúc trực tiếp vì Covid-19.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là sự thích nghi, chuyển dịch thói quen học tập của người học trong dịch Covid-19.
Giáo viên dạy tiếng Anh cho học sinh |
E.M |
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Equest Group, cho biết đến thời điểm này, số lượng người đăng ký học trực tuyến tại Ivy Prep và Ismart Online (hai đơn vị thành viên) tăng lên gấp 4-5 lần so với năm ngoái.
"Điều này cho thấy dịch Covid-19 khiến cho người học chuyển dịch thói quen học tập so với trước đây. Đương nhiên việc áp dụng hình thức thanh toán trực tuyến cũng giúp người học có sự thuận tiện hơn trong việc tham gia các khóa học trực tuyến", tiến sĩ Toàn chia sẻ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, cho dù thời gian tới học sinh có học trực tiếp thì vẫn sẽ có nhiều khoá học trực tuyến được duy trì vì nhiều ưu điểm của việc học trực tuyến. Những người bận rộn, ở nơi xa vẫn có thể tham gia học. Dịch Covid-19 đã góp phần thay đổi thói quen của người học nên cho dù có học trực tiếp thì các khoá học trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục được duy trì lâu dài.
Tương tự, công ty Apax Holdings (sở hữu hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders) hồi tháng 9 công bố tổng doanh thu hợp nhất quý II/2021 và lũy kế 6 tháng đạt hơn 522 tỉ đồng và 988 tỉ đồng, tương ứng tăng 7,4% và 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù các tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 nhưng doanh thu vẫn tăng được cho là nhờ vào việc Apax Leaders trong năm 2021 ra mắt sản phẩm tiếng Anh trực tuyến có thu phí qua thanh toán trung gian là Apax Virtual School (AVS), theo báo cáo của Apax Holdings.
Trong khi đó, để chuyển đổi trạng thái phù hợp với tình hình mới, Trung tâm Anh ngữ YOLA sử dụng hệ thống học tập trực tuyến EDX được phát triển bởi ĐH Harvard, giáo trình chuẩn Cambridge và đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm thi thật IELTS 8.0 trở lên. Ban lãnh đạo Trung tâm cho biết định hướng ngay từ năm 2020 của đơn vị này là việc học trực tuyến sẽ tiếp tục trong tương lai chứ không chỉ là giải pháp tạm thời.
Chi phí học ngoại ngữ sẽ giảm?
“Trong tương lai, các trung tâm ngoại ngữ sẽ có bước dịch chuyển mạnh mẽ. Số lượng các trung tâm sẽ giảm đi đáng kể, do vậy tính cạnh tranh về địa điểm cơ sở vật chất cũng sẽ giảm theo. Sức mạnh đàm phán sẽ thuộc về các trung tâm giáo dục và thương mại, thay vì thuộc về chủ nhà. Thứ hai là các trung tâm ngoại ngữ cũng sẽ bớt phụ thuộc vào việc phải dạy trực tiếp. Hình thức dạy kết hợp giữa online (tại nhà) và offline (tại trung tâm) sẽ phổ biến hơn.
Điều này cộng với việc giảm được một phần áp lực chi phí cơ sở vật chất sẽ làm chi phí học ngoại ngữ giảm đi. Cha mẹ và học sinh sẽ dần nhận thấy không cần phải đến trung tâm liên tục mới có thể học giỏi ngoại ngữ được. Về dài hạn, trung tâm nào chuyển đổi số nhanh nhằm dạy chất lượng cao với chi phí đột phá và thuận tiện cho học sinh sẽ chiến thắng trong cuộc đua mới", tiến sĩ Toàn chia sẻ.
Học trực tuyến đang là phương thức học chủ yếu với việc thanh toán học phí trực tuyến ngày càng thuận tiện |
N.S |
Như vậy, mặc dù giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lĩnh vực giáo dục đã tận dụng được rất nhiều ưu điểm vốn có của mình để chuyển đổi số, thích nghi với thế giới đang biến động.
Bình luận (0)