Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh

11/06/2019 15:26 GMT+7

Ngày 11.6, Ngân hàng Nhà nước cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo "Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam".

Thanh toán qua thiết bị di động tăng nhanh

Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam tăng từ 37% lên 61%. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017; giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017.
Dù vậy theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - ông Nguyễn Kim Anh, thanh toán bằng tiền mặt trên toàn thế giới vẫn tăng bất chấp xu hướng mở rộng của thanh toán điện tử. Báo cáo World Cash Report 2018 của G4S cho thấy, trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông so với GDP năm 2016 tăng lên trên 9,6% so với mức 8,1% năm 2011.
Mặc dù vậy, số liệu trên cho thấy mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ và một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ các nước đều rất quan tâm đến việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là thanh toán điện tử. NHNN hiện nay cũng đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.

Không có ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thúy Sen, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Truyền thông (NHNN), cho biết thời gian qua, NHNN đã phối hợp với nhiều cơ quan truyền thông để thúc đẩy TTKDTM tại Việt Nam, nâng cao nhận thức của người dân. Đây là vấn đề quan trọng để thúc đẩy TTKDTM. Trong thời gian tới, NHNN sẽ truyền thông chia theo lứa tuổi, từ học sinh tiểu học, trung học phổ thông, đối tượng vùng sâu, vùng xa, ít khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng để truyền thông về tiện ích của thanh toán không tiền mặt, cũng như việc làm sao đảm bảo an ninh an toàn trong TTKDTM, từ đó khuyến khích và hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, nâng cao ý thức và giảm thiểu rủi ro cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN cũng mong phối hợp với cơ quan Bộ ngành, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, cơ quan báo chí để triển khai các đề án của Chính phủ trong đó có Đề án phát triển TTKDTM, về tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính… để góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, với mục tiêu không có ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính. Qua đó tiếp tục góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của người dân vào cơ chế, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thúc đẩy TTKDTM, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét chỉ một cái không dùng tiền mặt mà được 5 lợi ích, đó là nền kinh tế minh bạch, qua đó góp phần chống tham nhũng, rửa tiền; tiết kiệm chi phí cho xã hội; tăng ngân sách nhà nước… Các thông tin về TTKDTM cần được phổ cập trong tài chính ngân hàng cả ở những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, từ đó phát triển tài chính toàn diện.
Thanh toán di động của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hơn 160% về giá trị so với năm 2017 và Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực ASEAN. Việt Nam hiện có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng smartphone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Đây là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy thanh toán di động, các dịch vụ tài chính và thương mại điện tử khác, thay đổi triệt để thói quen dùng tiền mặt hiện tại.
Thế nhưng theo đánh giá của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đây chỉ mới là bước đầu, sử dụng tiền mặt trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ hiện vẫn phổ biến. Thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay chỉ mới chiếm tỷ lệ 14% trên tổng phương tiện thanh toán, làm sao trong vòng 3 năm tới, tỷ lệ này phải tăng gấp đôi, trên 30%. Muốn đạt được mục tiêu này, các cơ quan ban ngành cần rà soát hành lang pháp lý, ứng dụng công nghệ mới, cái gì chưa có quy định thì thực hiện thí điểm chuẩn hóa công nghệ thông tin trong các ứng dụng dịch vụ công, hành chính công, dịch vụ công ích; đồng thời các chính sách liên quan đến phí phải hài hòa giữa ngân hàng - trung gian thanh toán và người sử dụng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.