Thanh tra bảo hiểm nhân thọ, siết quản lý giá vàng, vé máy bay

19/03/2024 06:20 GMT+7

Ngăn chặn tình trạng "ép" mua bảo hiểm qua ngân hàng, nghịch lý "giá bán càng tăng, doanh nghiệp lại càng lỗ" là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 18.3.

Thanh tra toàn bộ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

Tại phiên chất vấn sáng 18.3, việc quản lý thị trường bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ (BHNT), là nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đặt vấn đề chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Thanh tra bảo hiểm nhân thọ, siết quản lý giá vàng, vé máy bay- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn ngày 18.3

GIA HÂN

Nêu tình trạng các công ty BHNT nước ngoài bán bảo hiểm thông qua ngân hàng (NH) có nhiều sai phạm, ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đề nghị bộ trưởng cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này.

Hồi đáp các ĐB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện cả nước có 19 công ty BHNT. Trong đó, có 2 công ty bảo hiểm trong nước là Bảo Minh và Bảo Việt, còn lại 17 công ty bảo hiểm liên doanh với nước ngoài, của nước ngoài. Theo ông Phớc, NH có thể hợp đồng với các công ty bảo hiểm bán sản phẩm để hưởng chi phí dịch vụ nhưng trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý; từ đó dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua Bộ Tài chính đã xây dựng, tổ chức phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo đúng đắn trong hoạt động bảo hiểm.

Vẫn theo ông Phớc, ngay từ khi góp ý luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định các NH không được tư vấn để bán bảo hiểm kèm với sản phẩm của NH, nhất là việc cho vay. Đồng thời, trong quy định của luật Kinh doanh bảo hiểm (2023) cũng quy định trước 60 ngày và sau 60 ngày khi thực hiện bán sản phẩm của NH, các công ty bảo hiểm không được mua - bán các sản phẩm bảo hiểm, tránh tình trạng "ép" mua trong giai đoạn thẩm định cho vay hay sau khi thực hiện giải ngân. "Chúng tôi cũng đề xuất khách hàng gặp vấn đề ép mua, bán bảo hiểm khi vay NH phải báo cơ quan chức năng", ông Phớc cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp (DN) BHNT có doanh thu qua kênh NH. Kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục thanh tra 7 DN bảo hiểm nữa. "Như vậy, sắp tới sẽ lần lượt thanh tra hết các công ty bảo hiểm", ông Phớc nói.

Nghịch lý giá bán càng tăng, doanh nghiệp càng lỗ

Trách nhiệm trong quản lý giá cũng là vấn đề được nhiều ĐB chất vấn, thậm chí tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh tình trạng giá vàng trong nước dao động rất nhiều và tăng khá cao những ngày qua và đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp nào quản lý hiệu quả thị trường vàng và ngoại tệ.

Trong khi đó, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đề nghị bộ trưởng cho biết vì sao giá vé máy bay thời gian qua tăng cao và giải pháp để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại nhằm kích cầu ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh thời gian tới.

Hồi đáp các ĐB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vàng và ngoại tệ là lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của NH Nhà nước. Bộ Tài chính có nhiệm vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại, vai trò quản lý ở vùng biên giới để khi giá vàng hay giá USD lên cao, hàng lậu không tuồn vào Việt Nam. Về giá vé máy bay, ông Phớc nói, theo quy định tại luật Giá, giá vé máy bay sẽ do Bộ GTVT quy định khung giá, còn giá vé cụ thể do các công ty kinh doanh bay quyết định căn cứ theo nhu cầu.

"Vừa qua, giá vé máy bay dù tăng nhưng các hãng bay vẫn lỗ. Hiện nay, Bamboo cắt giảm rất nhiều đường bay, Vietjet cũng khó khăn. Vietnam Airlines hiện đã lỗ tới 37.000 tỉ đồng rồi; năm nào lãi nhiều nhất cũng chỉ được 3.000 tỉ, cho nên vẫn khó khăn", ông Phớc phản ánh.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhận định, hiện nay pháp luật quy định về giá rất đầy đủ, song thực tế đang tồn tại nghịch lý là càng tăng giá, DN lại càng lỗ. Vấn đề là phải xác định được đầu vào, đầu ra, các chi phí cấu thành giá. "Đối với giá vé máy bay, đặc biệt với Vietnam Airlines, tôi cho rằng chi phí cao quá, ảnh hưởng đến giá chứ không liên quan đến vấn đề cung - cầu hay vấn đề nhiên liệu", ông An nhìn nhận.

Thanh tra bảo hiểm nhân thọ, siết quản lý giá vàng, vé máy bay- Ảnh 2.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý giá vé máy bay

GIA HÂN

Tương tự với giá điện, ĐB đoàn Đồng Nai cho rằng giá điện lâu nay chỉ có lên chứ không bao giờ xuống, song thực tế thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EViệt Nam) vẫn lỗ. "Chúng ta tính giá trên cơ sở quy định pháp luật song có vấn đề chưa ổn. Chúng ta đã tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch hay chưa?", ông An đặt vấn đề và cho rằng, với vai trò quản lý chung về giá, Bộ Tài chính cần rà soát, thậm chí thanh tra, kiểm tra để làm cho đúng, bảo vệ lợi ích DN.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói sẽ tiếp thu các ý kiến, song ông nhấn mạnh, giá vé máy bay hiện nay các DN đang thực hiện theo đúng quy định. Dù vậy, ông Phớc cũng cho biết, một số quốc gia bỏ giá trần của vé máy bay và để DN tự quyết định giá theo cung - cầu của thị trường. Tuy nhiên, luật Giá hiện hành vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay và khung trần đấy là do Bộ GTVT quy định.

Về vấn đề giảm chi phí, ông Phớc cho rằng, trong các hãng bay chỉ có Vietnam Airlines là DN nhà nước, còn lại là tư nhân. Tư nhân chắc chắn quan tâm tới quản trị và hạ giá thành. Riêng với trường hợp Vietnam Airlines, ông Phớc cho hay, hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng như Bộ GTVT, Bộ Tài chính rất quan tâm, nhưng đây là cả quá trình và vẫn cần phải cố gắng.

Tạo chuyển biến thực chất, căn cơ với từng nội dung chất vấn

Sáng 18.3, phát biểu mở đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc lựa chọn 2 nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực tài chính, ngoại giao lần này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Với lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho hay, việc tiếp tục chất vấn đối với lĩnh vực tài chính là rất cần thiết để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính, thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá…

Với lĩnh vực ngoại giao lần đầu tiên được chọn chất vấn sẽ góp phần làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng như xác định rõ các phương hướng, giải pháp để làm tốt hơn các nội dung công tác này trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn ĐB Quốc hội nêu. Đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở thực hiện và giám sát.

Nghiên cứu mở rộng diện miễn visa để hút khách du lịch

Chiều 18.3, chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, để thu hút khách du lịch, hiện Việt Nam đã miễn thị thực (visa) cho 28 nước, trong đó 15 nước miễn thị thực song phương và 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực có chiến lược thu hút khách du lịch tương đương với Việt Nam thì diện miễn visa của họ rộng hơn. Chẳng hạn, Singapore miễn cho 164 nước, Malaysia miễn cho 162 nước và vùng lãnh thổ, Philippines là 157 nước, Thái Lan là 64 nước…

"Rõ ràng sẽ có một sự cạnh tranh rất mạnh với Việt Nam. Đề nghị bộ trưởng cho biết liệu chúng ta có nên chủ động đơn phương miễn thị thực cho những khách của các nước mà phát triển cao, có thu nhập cao hay không?", ĐB đoàn Hà Nội nêu.

Thanh tra bảo hiểm nhân thọ, siết quản lý giá vàng, vé máy bay- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn ngày 18.3

GIA HÂN

Hồi đáp ĐB, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định phát triển du lịch là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, trong đó visa là một trong những khâu quan trọng để đẩy nhanh hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia. Việt Nam cũng đã gia hạn thời gian lưu trú tại Việt Nam, tiến hành cấp visa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh. Với việc mở rộng diện miễn visa, Bộ Ngoại giao đang tổng kết thí điểm 13 nước thực hiện miễn thị thực để tham mưu Chính phủ có nên tiếp tục mở rộng thực hiện miễn visa hay không, miễn thị thực đối với thị trường nào.

Cạnh đó, theo ông Sơn, trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông thì Bộ Ngoại giao đang đàm phán 80 nước miễn thị thực song phương về hộ chiếu ngoại giao và công vụ, nhằm tạo điều kiện cho lãnh đạo, bộ, ngành, địa phương đi nước ngoài. "Tới đây, chúng tôi tiếp tục đàm phán để ký hiệp định miễn thị thực song phương, vừa tạo thế cho công dân nước ta ra nước ngoài và ngược lại, công dân nước ngoài vào Việt Nam", Bộ trưởng Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.