Nhiệt điện không đủ than phát điện
Theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện, lãnh đạo chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện một số công tác chuẩn bị cho cung cấp điện mùa khô năm 2023 theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2976/QĐ-BCT.
Nhưng đến tháng 3, Bộ Công thương không nhận được báo cáo của EVN về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia các tháng cao điểm mùa khô 2023 theo 2 văn bản thông báo của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) về đôn đốc EVN xây dựng và báo cáo kế hoạch cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô 2023. Theo đó, EVN chưa chủ động báo cáo bằng văn bản theo chỉ đạo của Bộ Công thương.
Đối với nguồn than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, trong 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cơ bản cung cấp đủ khối lượng than cam kết tại hợp đồng mua bán than năm 2023 đã ký. Dự kiến cả năm 2023 cấp đạt và vượt khối lượng than đã cam kết tại hợp đồng năm 2023, tuy nhiên xuất hiện tình trạng thiếu than cục bộ ở một số nhà máy nhiệt điện tại thời điểm đầu năm và kéo dài đến tháng 5.
Điều này thể hiện qua việc dự phòng nhiên liệu của các nhà máy ở mức thấp so với nhu cầu phát điện (ngoại trừ một số nhà máy Duyên Hải 3MR, Quảng Ninh, Ninh Bình có lượng than tồn kho cơ bản đạt theo định mức) và hoặc ngừng huy động do thiếu than.
Theo kết luận thanh tra, tồn kho của các nhà máy nhiệt điện hầu hết đều thấp so với định mức tồn kho tối thiểu theo quy định của EVN hoặc của nhà máy nhiệt điện ban hành. Đặc biệt một số nhà máy có mức tồn kho thấp kéo dài và hoặc giảm rất nhanh, như: nhà máy Duyên Hải 1 tồn kho dưới 70%; Duyên Hải 3 tồn kho từ 67% vào cuối tháng 4 và giảm nhanh xuống 8% vào cuối tháng 5; Vĩnh Tân 2 tồn kho 11% vào tháng 1 và 30% vào tháng 3; Vĩnh Tân 4 tồn kho giảm nhanh từ 30% vào tháng 3 xuống còn 1,6% vào tháng 5; Hải Phòng tồn kho dưới định mức kéo dài, từ tháng 2 - 4 duy trì ở mức 40 - 50%; Thái Bình tồn kho thấp dưới định mức tối thiểu kéo dài, từ tháng 2 đến tháng 5 chỉ duy trì ở mức 18 - 44%.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia: nhà máy nhiệt điện Hải Phòng dừng 38 ngày/tổ máy; Uông Bí MR dừng 9 ngày/tổ máy; Duyên Hải 1 dừng 17 ngày/tổ máy; Duyên Hải 3 dừng 17 ngày/tổ máy; Vĩnh Tân 2 dừng 29 ngày/tổ máy; Vĩnh Tân 4 & 4 MR dừng 76 ngày/tổ máy.
Theo đó Thanh tra của Bộ Công thương kết luận: "Các nhà máy nhiệt điện thiếu than xảy ra phần lớn thuộc quản lý của EVN".
Hạ mực nước thủy điện làm mất cân đối nguồn điện
Cũng theo kết luận thanh tra của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2021 - 2023, tại một số thời điểm, mực nước của các hồ chứa thủy điện: Hòa Bình, Thác Bà, Trung Sơn, Bản Vẽ, Sông Tranh 2, A Vương, Krông H'Năng, Sông Hinh, Buôn Tua Srah, Thượng Kon Tum, Ialy, Đồng Nai 3, Đại Ninh, Trị An, Sông Bung 4, Hàm Thuận, Thác Mơ dưới ngưỡng mực nước theo quy định các quy trình liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Thanh tra Bộ Công thương cho rằng, việc hạ mực nước xuống dưới mực nước tối thiểu của các hồ chứa thủy điện này gây ảnh hưởng đến đảm bảo cấp nước cho các nhu cầu hạ du và phục vụ phát điện trong những thời đoạn tiếp theo.
Kết luận thanh tra Bộ Công thương nêu rõ, từ tháng 7, các đơn vị của EVN tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía bắc. Cụ thể là 8 hồ: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà (thuộc lưu vực sông Hồng); Trung Sơn (thuộc lưu vực sông Mã); Bản Vẽ (thuộc lưu vực sông Cả).
Nhưng việc khai thác nước phát điện này đã làm giảm mực nước các hồ so với kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022 mặc dù đã được dự báo và quan trắc về số liệu thủy văn về lưu lượng nước về chỉ đạt 60 - 80% so với trung bình nhiều năm. Việc này đã ảnh hưởng đến điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 và dẫn đến công tác vận hành chưa sát thực tế thủy văn, chưa chủ động trong các kịch bản ứng phó, đảm bảo cung cấp điện.
Trong tháng 3, lưu lượng nước về các hồ có dấu hiệu giảm, sản lượng điện theo nước về toàn hệ thống thấp hơn 563 triệu kWh so với kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 3, tổng sản lượng thủy điện tích được trong các hồ thấp hơn kế hoạch năm là 462 triệu kWh. Tháng 4, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục giảm mạnh, sản lượng theo nước về trong tháng 4 thấp hơn khoảng 765 triệu kWh so với kế hoạch năm. Đến hết tháng 4, lượng nước tích trong các hồ thủy điện thiếu hụt so với kế hoạch năm là 1.632 triệu kWh.
Thanh tra Bộ Công thương kết luận, việc định hướng hạ mực nước cho cuối năm 2022, làm mực nước các hồ thủy điện giảm so với mực nước trong kế hoạch vận hành hệ thống điện được duyệt, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô năm 2023 là không tuân thủ kế hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31.12.2021.
Kết luận nêu rõ, Thông báo số 722/TB-EVN ngày 30.12.2022 về việc tiếp tục huy động cao sản lượng thủy điện năm 2023 của Hội đồng thành viên EVN làm giảm mực nước các hồ thủy điện trong các tháng đầu năm nay đã gây mất cân đối cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng cung cấp điện trong giai đoạn cao điểm mùa khô 2023 cho hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc.
Theo kết luận thanh tra đã công bố, Bộ Công thương cho rằng, EVN có vi phạm, khuyết điểm trong điều độ, vận hành hệ thống điện, mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm. EVN và các đơn vị liên quan để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Bình luận (0)