Đó là một phần nội dung trong kết luận thanh tra của Bộ Công thương về công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2021 - 2023.
Trong gần 1 tháng thanh tra, đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công thương đã làm rõ việc xây dựng phương án sa thải phụ tải (cắt điện) trong phạm vi quản lý của các công ty điện lực.
Thanh tra Bộ Công thương ghi nhận, Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) chủ động theo dõi biến động phụ tải, đã xây dựng phương án cung ứng điện cho mùa khô hàng năm, phương án tiết giảm phụ tải trong tình huống khẩn cấp (có tình huống thiếu nguồn) theo quy định tại khoản 1 điều 83 Thông tư số 39/2015/TT-BCT.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) giao phân bổ công suất khả dụng, EVNHANOI, EVNHCMC đã dự báo phụ tải phân bổ công suất, kịp thời giao và giám sát Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1), Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) thực hiện theo phương án đã lập, đảm bảo thực hiện đúng phương thức, lệnh của cấp điều độ có quyền điều khiển.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNSPC) và Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNCPC) chủ động theo dõi phụ tải, giao các công ty trực thuộc định kỳ hàng năm xây dựng phương án cung ứng điện cho mùa khô, phương án tiết giảm phụ tải trong tình huống khẩn cấp.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của A0 giao phân bổ công suất khả dụng, EVNNPC, EVNSPC, EVNCPC đã dự báo phụ tải phân bổ công suất cho các công ty điện lực, giao và giám sát các công ty điện lực thực hiện theo phương án đã lập đảm bảo thực hiện đúng phương thức, lệnh của cấp điều độ có quyền điều khiển.
Riêng đối với Công ty Điện lực Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (đều thuộc EVNNPC), các phương án sa thải phụ tải khẩn cấp được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, phê duyệt, cụ thể là UBND cấp tỉnh, thành phố.
Cũng theo kết luận thanh tra, Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.Hà Nội (thuộc EVNHANOI), Công ty Điện lực Bắc Ninh đã thực hiện tiết giảm theo lệnh khẩn cấp từ các cấp điều độ như A1, A0 giao trong quá trình vận hành lưới phân phối.
Qua kiểm tra, các đơn vị đã thực hiện sa thải khẩn cấp phụ tải đúng công suất được A1 giao, góp phần đảm bảo an ninh hệ thống theo quy định. Tuy nhiên, quá trình tiết giảm còn chậm trong một khung giờ. Nguyên nhân do tính chất phụ tải có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm; cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động; số lượng phụ tải quan trọng theo phê duyệt của UBND TP.Hà Nội lớn gồm 1.161 khách hàng… Theo đó, công ty điện lực cần thông báo trước khi tiết giảm nhưng vẫn đảm bảo vận hành hệ thống.
Các tổng công ty điện lực đã chỉ đạo xuyên suốt các đơn vị bên dưới phải có thông báo (bằng các hình thức như gửi văn bản, điện thoại, tin nhắn (SMS), Zalo, phát trên loa truyền thanh tại phường, các phương tiện thông tin đại chúng) trong mọi trường hợp ngừng, giảm mức cung cấp điện (khẩn cấp, không khẩn cấp).
Vi phạm trong điều hành, điều độ hệ thống điện
Theo Thanh tra Bộ Công thương, các hình thức thông báo trên được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện được ký giữa bên mua và bên bán điện. Tuy nhiên, quá trình gửi thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện đối với một số khách hàng có sản lượng lớn hơn 100.000 kWh/tháng tại Công ty Điện lực Bắc Ninh; Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng; Điện lực Bình Thủy, Công ty Điện lực TP.Cần Thơ (thuộc EVNSPC) còn một số tồn tại như: nội dung thông báo ngừng, giảm mức cung cấp điện chưa đầy đủ thông tin (như thời điểm dự kiến đóng điện trở lại) quy định tại điều 4 Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 9.9.2020 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Theo đó, Thanh tra Bộ Công thương kết luận, việc sa thải phụ tải theo lệnh khẩn cấp từ A0, A1, A2 (tình huống khẩn cấp) dẫn đến khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt, sản suất, kinh doanh bị mất điện đột ngột, không được báo trước diễn ra trên diện rộng nên không tránh khỏi nhiều khách hàng bị ảnh hưởng.
Trong kết luận thanh tra, Bộ Công thương cũng nêu rõ, EVN và các đơn vị thành viên vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023. Để xảy ra gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Bình luận (0)