Ngày 1.2, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và UBND tỉnh Bắc Ninh.
Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm
Theo quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ, đoàn thanh tra gồm 10 thành viên do ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn; bà Chu Thị Hồng Tâm, Phó chánh Thanh tra Bộ Nội vụ làm phó trưởng đoàn.
Thời kỳ thanh tra từ ngày 15.6.2021 đến ngày 30.11.2023, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra.
Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định.
Xem nhanh 12h ngày 2.2: Thời sự toàn cảnh
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho hay, cuộc thanh tra nhằm đánh giá những gì hai bộ và tỉnh Bắc Ninh đã làm được, chưa làm được trong công tác cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Lam yêu cầu trong quá trình tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra phải thực hiện đúng kế hoạch đã được phê duyệt, các thành viên đoàn chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công, khi đánh giá các nội dung phải chính xác, khách quan, đầy đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đoàn thanh tra cần hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến công việc thường xuyên của các đơn vị được thanh tra; có kế hoạch làm việc khoa học cụ thể; thông báo kế hoạch, thời gian làm việc cho đầu mối hai bộ và địa phương chi tiết, hợp lý; nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.
Xóa bỏ tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Cách đây một ngày, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra về nội dung tương tự tại Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và UBND TP.Đà Nẵng.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường yêu cầu đoàn thanh tra phải thực hiện được ba nhiệm vụ trọng tâm.
Một là kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi công vụ trên các lĩnh vực cụ thể.
Hai là kiến nghị các giải pháp xóa bỏ tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là trường hợp phát hiện sai phạm, vi phạm, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra các sai phạm.
Ông Cường cho hay, đây là cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc; nội dung thanh tra bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, đề nghị các đơn vị được thanh tra cung cấp hồ sơ tài liệu kịp thời để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thanh tra; ưu tiên bố trí cán bộ đầu mối nắm việc để làm việc với đoàn thanh tra.
Trước đó, ngày 25.1, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố quyết định thanh tra với nội dung tương tự tại Bộ TN-MT, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai.
Tại buổi công bố, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy nhấn mạnh, kết quả thanh tra cần trả lời được các câu hỏi như: thủ tục hành chính tại các đơn vị còn rườm rà hay không, có gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp hay không, kỷ luật, kỷ cương hành chính đã thực hiện nghiêm hay chưa?…
Kết quả thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng
Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất việc công bố quyết định thanh tra tại 9 bộ, tỉnh thành. Cùng với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thanh tra thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương cũng sẽ tiến hành thanh tra tại các đơn vị theo thẩm quyền.
Đây là cuộc thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước, theo kế hoạch ban hành bởi Thanh tra Chính phủ.
Việc thanh tra nhằm đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; đồng thời, ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm để kiến nghị biện pháp khắc phục.
Kết quả thanh tra sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có); sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện…
Bình luận (0)