Nhiều trường hợp những người khiếu kiện có hành vi xúc phạm, vu khống đe dọa hành hung cán bộ tiếp dân và lực lượng an ninh. Ngay cả Trưởng Ban tiếp công dân T.Ư cũng bị những người tham gia khiếu kiện tấn công.
Thực trạng trên được ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư cho biết trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện các chương trình phối hợp về tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, sáng 11.10.
Cán bộ tiếp dân hoang mang, lo lắng
Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư cho hay, thời gian qua, tình hình khiếu kiện của công dân diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự tại trụ sở tiếp công dân T.Ư.
“Đã có những trường hợp công dân khiếu kiện lên T.Ư với thái độ rất gay gắt, bức xúc, thậm chí tự thiêu đặt ra nhiều khó khăn và thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư tại trụ sở, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự”, ông Điệp nói.
Ông Điệp cũng cho biết, từ năm 2015 tới nay, tình hình khiếu kiện vượt cấp lên T.Ư mặc dù có xu hướng giảm nhưng tính chất, mức độ của các vụ việc ngày càng phức tạp. Nhiều đoàn khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tính chất gay gắt, quyết liệt, đòi yêu sách, đeo bám dài ngày gia tăng.
Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, phần tử xấu đã có những hoạt động kích động tụ tập đông người, tuần hành biểu tình và cổ súy, hỗ trợ người khiếu kiện, nhằm gây mất an ninh trật tự.
Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư cũng dẫn chứng những vụ việc điển hình về việc công dân có thái độ quá khích, như ngày 28.1.2016, một cán bộ tiếp công dân bị một công dân khiếu kiện chém trọng thương gây thương tích trên 13%.
Ngày 12.5.2016, cán bộ Ban Nội chính T.Ư bị công dân đánh ngay tại phòng làm việc.
Cá biệt, vào ngày 24.5.2016, một số công dân tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Bình Dương, Đắk Lắk đã có hành vi bao vây, túm áo, xô đẩy, tấn công Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư.
Trưởng Ban Tiếp dân T.Ư nhận định: công dân bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng, nhiều trường hợp có hành vi xúc phạm, vu khống, đe dọa hành hung cán bộ tiếp dân và lực lượng an ninh.
“Điều này gây hoang mang, lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của cán bộ, công chức và người lao động tại trụ sở”, ông Điệp nói và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa trụ sở tiếp dân T.Ư vào mục tiêu bảo vệ.
Giải quyết các tranh chấp ngay tại cơ sở
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, luật Tiếp công dân còn nhiều quy định bất cập.
|
Ông Khái dẫn ví dụ quy định về trách nhiệm tiếp công dân của các cấp chính quyền từ chủ tịch xã cho tới bộ trưởng và cho rằng, quy định như vậy rất khó thực hiện.
“Như tôi là Tổng Thanh tra Chính phủ mà đưa thông tin lên mạng là hôm nay sẽ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân T.Ư thì có khi không tiếp hết được, số lượng quá đông”, ông Khái nói và quy định thì rất đúng nhưng cách làm vẫn phải nghiên cứu thêm.
Bên cạnh đó, ông Khái cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện quy định của luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cho phù hợp với thực tiễn.
“Vừa rồi có vụ tự thiêu trước cổng trụ sở may là xử lý kịp thời nếu nằm trong trụ sở thì không biết tình hình gì sẽ xảy ra”, ông Khái nói và đề nghị các bộ phận trong Ban Tiếp dân T.Ư cùng phối hợp để các thủ tục ban đầu trong việc tiếp công dân bài bản và tốt hơn.
Nhiều ý kiến tham gia thảo luận cho rằng, vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên T.Ư là thực hiện tốt hòa giải ở cơ sở.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định, hiện nay, người dân xã lên huyện khiếu nại tố cáo thì chủ yếu là những việc giải quyết tại xã; dân huyện lên tỉnh thì chủ yếu là giải quyết tại huyện còn dân tỉnh lên T.Ư thì đó là những việc phải giải quyết chính tại tỉnh. Do đó, việc giải quyết tại cơ sở là vấn đề hết sức quan trọng.
Từ tháng 12.2014 đến nay, Thanh tra Chính phủ (Ban Tiếp công dân T.Ư) đã tiếp nhận 49.050 đơn, đã xử lý 48.244 đơn, còn 806 đơn đang xử lý. Trong số đơn đã xử lý có: 14.573 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó có 11.792 đơn khiếu nại; 1.138 đơn tố cáo; phản ánh, kiến nghị 1.643 đơn, chiếm 30,2 %; 33.671 đơn không đủ điều kiện (đơn đã được hướng dẫn hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, công dân vẫn tiếp tục gửi đơn nhưng không có nội dung mới, đơn không có rõ họ tên, địa chỉ), chiếm 69,8%.
|
Bình luận (0)