Thanh tra Chính phủ đề xuất kết luận thanh tra phải được công bố toàn văn

15/02/2023 17:40 GMT+7

Thanh tra Chính phủ đề xuất quy định nghiêm cấm thanh tra viên thông đồng hoặc bao che cho đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thanh tra năm 2022.

Theo TTCP, luật Thanh tra năm 2022 được ban hành với nhiều quy định mới so với luật Thanh tra năm 2010. Điển hình là việc thành lập thanh tra cấp tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các quy định về giám sát hoạt động đoàn thanh tra; quy định về việc ban hành kết luận thanh tra…

Do vậy, việc xây dựng nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thanh tra năm 2022 là hết sức cần thiết.

Thanh tra Chính phủ: Nghiêm cấm thông đồng, bao che cho đối tượng thanh tra - Ảnh 1.

TTCP đề xuất quy định nghiêm cấm thanh tra viên thông đồng hoặc bao che cho đối tượng thanh tra

TUYẾN PHAN

Không được làm trưởng đoàn thanh tra nếu vợ, con có liên quan

Trong dự thảo, TTCP đề xuất quy định 5 nhóm hành vi mà thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được làm.

Ví dụ: các hành vi bị nghiêm cấm tại điều 8 luật Thanh tra năm 2022; thông đồng với đối tượng thanh tra và những người có liên quan trong vụ việc thanh tra để làm sai lệch kết quả thanh tra; hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để bao che cho đối tượng thanh tra và tổ chức, cá nhân có liên quan…

TTCP cũng đề xuất quy định các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra, gồm: người có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra; người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra…

Riêng với vị trí trưởng đoàn thanh tra, chỉ cần có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra, thanh tra viên sẽ không được giao nhiệm vụ này.

Dự thảo còn nêu rõ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

Người được dự kiến là thành viên đoàn thanh tra thuộc một trong các trường hợp nêu trên hoặc các trường hợp khác mà nhận thấy có thể không bảo đảm tính khách quan thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trước khi quyết định thanh tra được ban hành.

Thanh tra Chính phủ: Nghiêm cấm thông đồng, bao che cho đối tượng thanh tra - Ảnh 2.

Một số thông báo kết luận thanh tra được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TTCP

CHỤP MÀN HÌNH


Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn

Vẫn theo dự thảo, TTCP đề xuất quy định kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

Người ký kết luận thanh tra quyết định những nội dung trong kết luận thanh tra không được công khai và thực hiện theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.

Hình thức công khai kết luận thanh tra là công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm cung cấp kết luận thanh tra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.

Xem nhanh 20h ngày 15.2: 'Kỵ sĩ' cưỡi ngựa trên phố bị phạt | Lạ lùng chuyện con trăn khổng lồ

Thanh tra lại nếu có dấu hiệu vi phạm

Theo dự thảo, cuộc thanh tra sẽ được thanh tra lại trong trường hợp phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục dẫn đến sai lệch nội dung kết luận thanh tra; hoặc người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ…

Tổng TTCP có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ hoặc thanh tra tỉnh.

Chánh thanh tra bộ có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của thanh tra tổng cục, cục, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ đã có kết luận của thanh tra sở.

Chánh thanh tra tỉnh có thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của thanh tra sở, thanh tra huyện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.