Thanh tra Chính phủ kết luận gì về 4 dự án bị 'tố' ở Bình Thuận ?

15/12/2021 18:08 GMT+7

Thanh tra Chính phủ có kết luận về 4 dự án mà người dân tỉnh Bình Thuận tố cáo sai phạm trong quá trình giao đất cho chủ đầu tư.

Các dự án ở Bình Thuận mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa kết luận liên quan đến nội dung tố cáo gồm: Dự án bố trí, sắp xếp lại khu dân cư, chỉnh trang đô thị P.Đức Long (TP.Phan Thiết) của Công ty TNHH đầu tư - xây dựng Trường Phúc Hải; Dự án khu dịch vụ du lịch Biển Quê Hương của Công ty giao nhận vận tải và hóa chất Việt Nam (xã Thuận Quý, H.Hàm Thuận Nam và xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết); Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, TP.Phan Thiết của Công ty TNHH giáo dục và đầu tư Hòa Thắng; Và Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 của Công ty Tân Việt Phát.

Dự án Hamubay của Công ty Trường Phúc Hải đã đi vào kinh doanh

Q.H

Đất phục vụ công trình công cộng không phải đấu giá

Theo TTCP, Dự án khu dịch vụ du lịch Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2016. Ban đầu, tổng diện tích 12,54 ha của dự án này đều thuộc địa bàn H.Hàm Thuận Nam. Đây là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nên chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất (quy định tại điều 19, Nghị định 46/CP của Chính phủ). Do vậy, dự án không thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất theo khoản 2, điều 118, Luật Đất đai 2013.

Đến năm 2018, xác định có 2,06 ha đất của dự án thuộc xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, do vậy UBND tỉnh đã điều chỉnh chủ trương đầu tư để đưa diện tích này vào diện phục vụ các công trình công cộng. TTCP cho rằng việc giao đất không qua đấu giá, không thu tiền sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh là đúng với quy định theo khoản 2, điều 54 và điểm a, khoản 2, điều 118 của luật Đất đai 2013. Do vậy, việc tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận sai phạm trong quá trình giao đất ở dự án này không qua đấu giá là không có cơ sở, TTCP kết luận.

Dự án Biển Quê Hương có diện tích hơn 10 ha thuộc H.Hàm Thuận Nam và hơn 2 ha thuộc TP.Phan Thiết

Q.H

Đối với Dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn (P.Phú Thủy, TP.Phan Thiết), đây là đất công do nhà nước quản lý. Tại thời điểm giao đất cho chủ đầu tư, dự án thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi theo Nghị định 118/CP của Chính phủ. Dự án đáp ứng đủ tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Vì vậy, dự án thuộc diện cho thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất quy định tại điểm b, khoản 2, điều 118 luật Đất đai 2013. Trước khi quyết định chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận đã mời gọi đầu tư nhưng chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Từ đó, TTCP nhận thấy việc tố cáo sai phạm trong dự án này là không có sơ sở.

Đối với Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, đây là đất có nguồn gốc từ đất nghĩa trang, có yếu tố tâm linh nên không có nhà thầu nào tham gia, dù tỉnh đã mời gọi suốt từ năm 2013 đến 2015. Căn cứ khoản 3, điều 118 luật Đất đai 2013, việc UBND tỉnh Bình Thuận sử dụng giá khởi điểm đấu giá giao quyền sử dụng đất 3 lô đất này (lô 18,19 và 20) đã công khai lần cuối vào năm 2015 để tính tiền thuê đất vào thời điểm giao đất năm 2017 là chưa đúng quy định. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo xác định lại giá đất. Do vậy, TTCP xác định việc tố cáo cũng là không có cơ sở.

Dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn thời điểm chưa hoàn thiện

Q.H

Điều chỉnh lại quyết định giao 27 ha đất mặt biển

Riêng Dự án lấn biển của Công ty Trường Phúc Hải (tên thương mại là Hamubay), TTCP kết luận phần lớn dự án này chưa được giải phóng mặt bằng, chưa đủ điều kiện để giao đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận không đưa dự án này vào danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để công khai kêu gọi đầu tư.

Diện tích 27 ha mặt biển, nay công ty Trường Phúc Hải đã san lấp, TTCP cho rằng UBND tỉnh Bình Thuận giao đất chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, phải điều chỉnh lại quyết định giao đất

Q.H

TTCP cho rằng, đây là khu vực biển xâm thực, đe dọa tính mạng người dân. Phần lớn diện tích đất là do chủ đầu tư bồi thường với dân, do vậy TTCP cho rằng tố cáo “không đấu giá đất” của người dân là không có cơ sở. Tuy nhiên, diện tích đất vốn là khu sạt lở biển rộng gần 27 ha, được nhà đầu tư xây kè, san lấp được UBND tỉnh Bình Thuận giao đất chưa đúng quy định pháp luật. Do vậy TTCP yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức rút kinh nghiệm và điều chỉnh lại quyết định giao 27 ha đất mặt biển nói trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.