Thanh tra tại Bộ Y tế: Vì sao khan hiếm thuốc, thiết bị y tế?

07/12/2024 10:01 GMT+7

Từ việc thanh tra trách nhiệm công vụ về giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ chỉ ra một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị y tế.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra tại Bộ Y tế, liên quan đến việc thực hiện trách nhiệm công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính. 5 đơn vị thuộc diện thanh tra gồm: Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục An toàn thực phẩm, Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế, Cục Quản lý y dược cổ truyền.

Thanh tra tại Bộ Y tế: Vì sao khan hiếm thuốc, thiết bị y tế?- Ảnh 1.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra

ẢNH: TTCP

Vì sao khan hiếm thuốc?

Kết luận thanh tra cho thấy, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn giai đoạn 2021 - 2023 là 69,8%; tập trung vào một số lĩnh vực như dược, y dược cổ truyền, thiết bị y tế, với tỷ lệ quá hạn cao nhất đến 90%.

Thanh tra Chính phủ đánh giá tỷ lệ tồn đọng hồ sơ rất cao và diễn ra trong nhiều năm tại các đơn vị quản lý về dược, y dược cổ truyền và trang thiết bị y tế chính là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, thiết bị.

Cạnh đó, tại Cục Quản lý dược có tình trạng hồ sơ nộp trước, thẩm định trước nhưng lại không được giải quyết trước; việc thẩm định của một số chuyên gia kéo dài quá thời hạn quy định… Tình trạng này dẫn tới nguy cơ tạo cơ chế "xin cho"; gây phiền hà, không đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch; gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Cục Quản lý dược còn bị kết luận buông lỏng việc quản lý theo dõi danh sách chi tiết hồ sơ giải quyết của 3 thủ tục hành chính "cấp, gia hạn, thay đổi bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc" phát sinh trước năm 2020 đã giải quyết trong thời kỳ thanh tra hoặc đến thời điểm thanh tra chưa giải quyết xong.

Thanh tra tại Bộ Y tế: Vì sao khan hiếm thuốc, thiết bị y tế?- Ảnh 2.

Tỷ lệ tồn đọng hồ sơ rất cao là một trong những nguyên nhân dẫn tới khan hiếm thuốc, thiết bị y tế (ảnh minh họa)

ẢNH: T.N

Dễ phát sinh tiêu cực về kê khai giá thuốc

Một hạn chế khác được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Bộ Y tế, đó là việc giải quyết thủ tục hành chính kê khai, kê khai lại giá thuốc còn nhiều thiếu sót, vi phạm.

Trong thời kỳ thanh tra, Bộ Y tế công bố một số thủ tục hành chính thiếu yêu cầu, điều kiện giải quyết thủ tục hành chính; chưa thu thập được thông tin về giá thuốc tại các nước ASEAN để rà soát giá thuốc doanh nghiệp kê khai theo quy định.

Cục Quản lý dược ban hành quy trình nội bộ đưa nguyên tắc rà soát so sánh giá thuốc kê khai đã công bố trong vòng 5 năm gần nhất là chưa đủ cơ sở theo quy định pháp luật.

Cục Quản lý dược và Cục Quản lý y dược cổ truyền thực hiện rà soát, công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại chưa đúng "cơ chế hậu kiểm" theo quy định tại Nghị định số 155/2018.

Thêm vào đó, các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế còn áp dụng không đúng quy định để yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, tài liệu nhằm chứng minh các yếu tố cấu thành giá thuốc; yêu cầu bổ sung nhiều lần mặc dù hồ sơ đã phù hợp; yêu cầu bổ sung hồ sơ ngoài quy định, kéo dài thời gian giải quyết, hồ sơ quá hạn tồn đọng quá nhiều...

Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc kiểm soát các yếu tố chi phí hình thành giá thuốc còn chưa chặt chẽ, thiếu cơ sở. Đồng thời, gây phiền hà trong việc giải quyết thủ tục hành chính, dễ phát sinh tiêu cực và nguy cơ giá thuốc kê khai chưa được kiểm soát theo đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu; kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo bộ, lãnh đạo các đơn vị có liên quan.

Thanh tra trên phạm vi cả nước

Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về trách nhiệm công vụ và cung cấp dịch vụ công tại nhiều bộ, ngành, địa phương.

Đây là cuộc thanh tra chuyên đề được thực hiện trên phạm vi cả nước, do Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ và thanh tra các tỉnh, thành phố triển khai.

Kết quả thanh tra sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng về thực trạng thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức; xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có); sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.