Thảo luận góp ý về dự án luật Thanh tra (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội chiều 13.6, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, hoạt động thanh tra được ví như “ma trận” với sự thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp thời gian qua, và là một trong những điểm nghẽn khá điển hình của môi trường kinh doanh ở nước ta trong nhiều năm.
“Có thể nói là hiện tượng có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có đến hàng chục đoàn đến cùng một địa điểm trong 1 năm và cùng một vấn đề”, ông Lộc nói, và cho rằng, dự thảo luật Thanh tra lần này theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và quan trọng nhất là giảm được sự chồng chéo.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, hoạt động thanh tra nên đa dạng về hình thức |
Gia Hân |
Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho biết, ông quan ngại về thực trạng thanh tra doanh nghiệp, khi dẫn các số liệu điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam năm 2021 cho thấy, 64% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết là có tiếp đón đoàn thanh tra và trong số đó thì 20% doanh nghiệp cho rằng phải trả chi phí không chính thức; 14% doanh nghiệp cho rằng vẫn bị gây phiền hà; 10% doanh nghiệp cho rằng vẫn bị tiếp đón đoàn thanh tra nhiều hơn 3 lần 1 năm.
Từ đó, đại biểu Hiếu kiến nghị tách riêng quy định về thanh tra chuyên ngành với thanh tra hành chính.
“Nếu đối tượng chủ yếu của thanh tra chuyên ngành là doanh nghiệp thì phạm vi hoạt động của doanh nghiệp là trong phạm vi rộng khắp cả nước, tức là liên quan đến rất nhiều những đơn vị hành chính, có thể liên quan rất nhiều lĩnh vực.
Nếu như việc tổ chức hệ thống thanh tra của chúng ta là theo cấp hành chính, theo đơn vị hành chính, theo chuyên ngành, theo lĩnh vực thì nguy cơ một doanh nghiệp có thể bị thanh tra, kiểm tra rất nhiều bởi các cơ quan thanh tra. Như vậy, rõ ràng cần thiết phải có một quy định riêng, đặc thù để hạn chế việc thanh tra trùng lặp, thanh tra không cần thiết”, ông Hiếu nói.
Đại biểu tỉnh Thái Bình cũng đề nghị khi đặt ra quy định về thanh tra chuyên ngành, cần thiết kế kỹ thuật để đảm bảo một số nguyên tắc, trong đó phải đề cao tính minh bạch và tính được báo trước.
“Bởi vì tính được báo trước trong hoạt động thanh tra theo tôi có tác dụng rất lớn. Nếu trước khi chúng ta đi thanh tra mà báo trước mục tiêu thanh tra, phạm vi thanh tra, nội dung thanh tra, vô hình trung chính những việc như vậy giúp cho các đối tượng thanh tra tuân thủ luật pháp tốt hơn trước khi chúng ta đến thanh tra”, ông Hiếu đề nghị.
Ý kiến này ngay sau đó đã được phản biện lại bởi đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM): “Nếu chúng ta chỉ trông cậy vào thanh tra theo kế hoạch mà lại còn được báo trước nữa thì xin nói là chúng ta không thể nào hoàn thành được nhiệm vụ”.
Theo bà Phong Lan, từ tình hình thực tế tại TP.HCM, trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm cho thấy, trong hoạt động thanh tra phải có các hình thức vừa theo kế hoạch, đồng thời là phải phát huy đột xuất và thực ra trong những lĩnh vực có nhiều vi phạm kéo dài hàng năm liền, luôn luôn bị dư luận xã hội nhìn vào để thấy hiệu quả công tác thanh tra.
“Tại sao tất cả những báo cáo của thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch. Khi thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước nữa, người ta sẽ chuẩn bị hết "vở sạch chữ đẹp" để đón tiếp đoàn thanh tra và tôi nói thẳng với đội ngũ thanh tra của chúng tôi, đó là chúng ta phải phát huy tất cả những mặt mạnh, đặc biệt là trong phát hiện sai phạm thông tin từ quần chúng, nhất là từ báo chí; và khi làm thì phải bất ngờ, như vậy mới thực sự nắm được trên thực tế ra làm sao", bà Lan lập luận.
Cũng theo bà Lan: “Tôi chỉ mong luật pháp của chúng ta, nếu như sợ tiêu cực trong thanh tra, thì phải có cơ chế giám sát của cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải có luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và phải có những răn đe trong những trường hợp sai phạm thì bị xử lý".
Có nên áp dụng đồng loạt thanh tra cấp huyện?
Nêu ý kiến, đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho biết, ông đồng tình với tờ trình của Chính phủ là phải có thanh tra cấp huyện, nhưng huyện nào cũng có thanh tra thì chưa ổn. Bởi trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện tại các thành phố lớn, có sự khác biệt rất xa so với nhiều huyện miền núi, từ quy mô, từ tính chất trong công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
“Tôi chỉ lấy ví dụ có một quận ở Hà Nội thu bình quân năm 2021 là 12.000 tỉ đồng, trong khi đó một huyện ở miền núi năm 2021 thu trên địa bàn 15 tỉ đồng, nó khác biệt nhau rất lớn. Theo tôi, nếu chúng ta cứ xác định là đơn vị hành chính cấp huyện đều phải có thì tôi e rằng chúng ta chưa nhất quán”, ông Cừ băn khoăn, đồng thời cho rằng nên cân nhắc đối với các huyện nghèo và cận nghèo.
“Thành lập ra một phòng ít nhất phải có 3 người, bởi vì có chánh thanh tra, có phó thanh tra, có chuyên viên. Trong khi đó, các phòng, ban khác lo về xóa đói, giảm nghèo đầu tắt mặt tối, nào là vấn đề dân sinh, rồi ví dụ phòng giáo dục có 5 biên chế nhưng quản lý 2.000 người, 50 - 60 trường,... chẳng hạn như thế, điều đó không phù hợp, không công bằng với các phòng, ban khác”, đại biểu Cừ nói.
Bấm nút tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, một nguyên tắc khi xác định thanh tra là chỗ nào có cấp quản lý nhà nước thì phải có công tác thanh tra và cấp huyện là một cấp quản lý nhà nước.
“Cơ quan thanh tra ở đây không chỉ thực hiện các nhiệm vụ thanh tra theo quy định của luật Thanh tra mà hiện nay còn làm rất nhiều nội dung khác, ví dụ như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, làm thường trực của cơ quan phòng, chống tham nhũng, rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, liên quan vấn đề phát sinh ở cấp cơ sở. Đặc biệt, cấp huyện là cấp cơ sở, trong xu hướng gần đây thì việc tăng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp cơ sở, nhất là cấp xã, cấp huyện rất lớn.
Do vậy, nếu chúng ta xác định tổ chức lại mô hình thanh tra ở cấp huyện theo tiêu chí xác định về thu ngân sách hay không thì tôi nghĩ cần phải đánh giá lại, và các đại biểu đề nghị nên giữ lại mô hình thanh tra cấp huyện tôi thấy hợp lý”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Bình luận (0)