Tiền nợ thuế, tiền chậm nộp kéo dài 10 năm?
Theo thông báo nợ thuế từ Chi cục Thuế Q.1 (TP.HCM), Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn (hay còn gọi với tên quen thuộc là sở thú, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) nợ thuế và tiền phạt chậm nộp với số tiền hơn 787 tỉ đồng.
Giải thích về việc này, bà Vũ Thị Hương Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết năm 2014 nơi này được UBND TP.HCM ký quyết định cho thuê đất với diện tích 158.117 m2 sử dụng vào mục đích công cộng theo chế độ trả tiền hằng năm, thời hạn 50 năm. Chi cục Thuế Q.1 đã thông báo tiền thuế đất trên toàn bộ diện tích kể trên, tổng số tiền mỗi năm là 163,3 tỉ đồng. Tuy nhiên phần dùng để kinh doanh chỉ chiếm diện tích rất nhỏ (khoảng 5.600 m2) và Thảo cầm viên Sài Gòn đã đóng tiền hằng năm.
"Công ty hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng nếu chịu tiền thuê đất mỗi năm lên hơn trăm tỉ đồng là rất khó", bà Giang trần tình và thông tin mới đây UBND TP.HCM cũng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để gỡ vướng. Hiện Thảo cầm viên Sài Gòn đang chờ đợi kết luận cùng hướng dẫn thực hiện của các sở, ngành liên quan.

Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng từ năm 1864
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Việc Thảo cầm viên Sài Gòn bị nợ thuế lớn, kéo dài lên tới gần 800 tỉ đồng gây xôn xao dư luận. Trước đó, cuối năm 2022, đơn vị này đã gửi nhiều văn bản đến TP báo cáo tình hình khó khăn, vướng mắc về nộp tiền thuê đất và kiến nghị xin được khoanh nợ, xin đề xuất, kiến nghị các phương án xác định diện tích đất nộp tiền thuê đất hằng năm. Cụ thể, công ty xin đề xuất chọn phương án xác định số tiền thuê đất phải nộp hằng năm căn cứ trên diện tích đất thực tế của Thảo cầm viên Sài Gòn sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ và đúng cơ cấu sử dụng đất tại Quyết định số 6190 ngày 25.11.2016 về duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Thảo cầm viên Sài Gòn.
Vì sao Thảo Cầm Viên Sài Gòn bị cưỡng chế nợ thuế gần 800 tỉ đồng?
Với phương án này, số tiền thuê đất phải nộp mà công ty này ghi nhận trong năm 2023 là hơn 6,53 tỉ đồng (đây là khoản tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp tương ứng với diện tích đất 5.590 m2 trong tổng số 158.117 m2 tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, tương ứng với đơn giá thuê đất là hơn 1,033 triệu đồng/m2).
Nếu bị cưỡng chế thuế…
Với tiền nợ thuế kéo dài nhiều năm qua, theo quy định về quản lý thuế thì doanh nghiệp sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, trong đó cơ quan thuế sẽ trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp và sau đó có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Liệu rằng với số tiền nợ thuế của Thảo cầm viên Sài Gòn có bị rơi vào biện pháp cưỡng chế này hay không là vấn đề dư luận quan tâm.
Chuyên gia thuế Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, bày tỏ ngạc nhiên khi một công ty nhà nước nợ thuế từ năm này qua năm kia mà không có hướng xử lý ngay từ đầu và để số nợ thuế lên quá lớn như hiện nay.
"Hiện TP chỉ có duy nhất đây là nơi tập hợp thảo mộc, chim muông, cá cảnh, các loài thú trên cạn, dưới nước lớn nhất. Nếu bị đóng cửa thì đồng nghĩa đóng nơi vui chơi, giải trí, học tập... của trẻ em cũng như người dân TP và nhiều tỉnh thành lân cận. Thảo cầm viên Sài Gòn chịu sự quản lý trực tiếp của UBND TP.HCM, nên ở đây UBND TP phải có trách nhiệm trong việc giải quyết nợ tiền thuê đất. Việc chậm trễ kéo dài nhiều năm qua làm cho số tiền thuê đất tăng cao và tiền chậm nộp cũng tăng mạnh. UBND TP.HCM phải làm việc với Bộ Tài chính, sau đó là Thủ tướng để giải quyết dứt điểm việc này, đồng thời truy cứu trách nhiệm những người liên quan trong việc để kéo dài hàng chục năm mà không đưa ra giải pháp khắc phục", ông Xoa nói và cho rằng: "Nếu có đóng cửa thì đóng cửa doanh nghiệp, còn hoạt động công viên thì không thể. Chức năng hoạt động của công ty là doanh nghiệp công ích nên việc thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh là không đơn giản, không giống như các doanh nghiệp kinh doanh khác".
Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Xoa kiến nghị nên đưa đất Thảo cầm viên vào mục đích công cộng như công viên và không thu tiền thuê đất. Và tất nhiên, khi đất đã được miễn tiền thuê hằng năm, công viên phục vụ người dân thì công ty cũng không được phép cho thuê để kinh doanh.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng Thảo cầm viên Sài Gòn là dịch vụ công ích, nên TP lẽ ra phải gia tăng ngân sách để bảo tồn, phát triển và thậm chí phải miễn phí cho học sinh, sinh viên vào tham quan, tìm hiểu các loài động vật, thực vật. Việc bán vé vào cổng hiện nay tạm chấp nhận để gia tăng thêm chi phí duy trì cho đơn vị này.
"Nếu ngành thuế thu đủ tiền thuê đất của toàn bộ diện tích công viên ở đây thì tại sao không đi thu thuế các công viên khác?", ông Hiển đặt câu hỏi và nhấn mạnh đây là dịch vụ công đã được xây dựng, hình thành nên từ bao đời nay và được duy trì dựa trên tiền thuế của người dân TP.
"Đáng lẽ TP cần phải đầu tư mở rộng thêm sở thú cũng như có thêm nhiều công viên, bảo tàng khác để phục vụ cho người dân, nhất là học sinh các cấp. Đây là hoạt động an sinh xã hội cần phải được duy trì để phục vụ người dân và cũng là giá trị riêng của TP. Việc Ban quản lý Thảo cầm viên Sài Gòn chỉ xin nộp tiền thuê đất dựa trên diện tích có sử dụng kinh doanh, mà không phải nộp trên toàn bộ diện tích đất sở thú này, là đúng", TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TP. HCM, Thảo cầm viên Sài Gòn không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa đặc trưng của TP. Được xây dựng cùng lúc với Bưu điện TP.HCM, Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành, Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo, được xem như một chứng nhân của lịch sử, đã cùng đi qua những thăng trầm của con người và vùng đất này. Người dân Sài Gòn khi ấy quen gọi Thảo cầm viên Sài Gòn là sở thú và tên gọi phổ thông này vẫn gắn liền với Thảo cầm viên Sài Gòn cho đến tận hôm nay. Hiện Thảo cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng hơn 2.000 loài cá thể động vật thuộc 135 loài.
Bình luận (0)