Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Ly kỳ chuyện cứu hộ

25/02/2018 12:02 GMT+7

Những năm gần đây, Thảo cầm viên là đơn vị đã tham gia cứu hộ nhiều loài động vật hoang dã. Có nhiều chuyện thú vị mà không mấy người biết.

Vừa cứu hộ vừa làm “vú em” cho voọc
Theo anh Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp động vật thuộc Thảo cầm viên (TCV), cứu hộ những loại thú quý hiếm, thuộc nhóm nguy cấp là “cực trần thân”. Điển hình, vào tháng 3.2016, tổ cứu hộ động vật hoang dã TCV nhận được yêu cầu cứu hộ voọc chà vá chân nâu từ Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng.
Ngay trong đêm, anh Trực và một cán bộ kỹ thuật tức tốc lên xe chuyên dụng trực chỉ Đà Nẵng. Đến nơi, anh Trực vừa mừng vừa “run” vì con voọc chân nâu còn quá nhỏ lại đang sa sút sức khỏe nghiêm trọng. Để đảm bảo tính mạng cho voọc non trên đường vận chuyển về đến TP.HCM không phải chuyện đơn giản. Trong xe nóng hầm hập, nhưng ưu tiên số 1 là chú voọc nên phải tắt máy lạnh. Khi qua đêm tại khách sạn, anh Trực cắt găng tay làm áo ấm, “đóng thế” mẹ voọc xoa đầu, xoa lưng cho voọc con ngủ. Dọc đường, anh phải thủ thỉ trò chuyện để trấn an tinh thần chú voọc. Ngoài ra, còn làm “vú em”, dỗ dành voọc ngoan uống từng chút sữa, hoặc dừng xe vào rừng tìm cây non phù hợp cho voọc con ăn.
Được biết, năm 2010 Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng cũng đã nhờ TCV cứu hộ một voọc con trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Sau 7 năm sinh sống tại đây, từ một chú voọc ốm yếu và nhát gan, bây giờ đã là một “anh chàng” trưởng thành, dạn dĩ và tinh nghịch. Đặc biệt, khi các nhân viên chăm sóc theo dõi hằng ngày phát hiện ra chú voọc đang cần tìm kiếm bạn tình, thì TCV đã cho người liên hệ các vườn thú để đến “coi mắt” voọc cái. Cuối cùng thì chú đã “kết duyên” với một voọc cái của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Chú voọc chân xám Chư Mom Ray (Kon Tum) và voọc chân xám Phú Yên cũng để lại cho anh Trực nhiều kỷ niệm. Tiếp nhận con voọc ở Kon Tum trong tình trạng mất thịt cổ chân do bẫy siết khiến các bác sĩ thú y và nhân viên TCV mất nhiều tháng trời chữa trị, tập cho voọc đi đứng, “làm quen”.
Trong khi đó, voọc Phú Yên thì đã gầy trơ xương lại bị stress nặng nên nhân viên TCV bị “hành lên hành xuống” nhiều ngày mới có thể phục hồi sức khỏe và ổn định tinh thần cho chú.
Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Ly kỳ chuyện cứu hộ1
Chăm sóc voọc như chăm con Ảnh: Thảo cầm viên Cung cấp
Hỏa tốc giải cứu voi rừng
Vào một ngày cuối tuần tháng 5.2013, anh Trực đang vi vu cùng vợ con trong chuyến du lịch miền Tây, bỗng nhận được điện thoại từ tiến sĩ Phan Việt Lâm, Giám đốc TCV lúc đó. Tiến sĩ Lâm lệnh cho anh Trực phải về ngay TP.HCM và lên Buôn Ma Thuột luôn trong đêm để kịp cứu hộ con voi rừng bị dính bẫy. “Trong tình huống này thì không thể viện lý do “nhưng nhị” gì hết, nhiệm vụ là làm sao có mặt sớm nhất cùng với sếp tham gia cứu hộ chú voi”, anh Trực tâm sự.
Con voi rừng này bị dính bẫy tại tiểu khu 453 thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Vòi voi bị dính chặt bẫy kẹp, chân và nhiều bộ phận trên cơ thể voi bị các vết thương rất nặng, bắt đầu hoại tử, sức khỏe có biểu hiện rất yếu. Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn đã điều động nhiều voi nhà, các nài voi có kinh nghiệm cùng bác sĩ thú y vào tìm cách tiếp cận cứu hộ voi theo phương pháp thủ công... nhưng vẫn bất lực do voi liên tục di chuyển, tránh né người. Hai thầy trò tiến sĩ Phan Việt Lâm đến nơi, đã nhanh chóng quyết định giải pháp tốt nhất là dùng súng bắn thuốc gây mê để tiếp cận voi, cứu chữa vết thương, phục hồi sức khỏe cho voi và sau đó trả về môi trường tự nhiên. Mặc dù cứu hộ voi mắc bẫy là một ca khó, nhưng với những chuyên gia nhiều kinh nghiệm của TCV thì mọi việc đều diễn ra suôn sẻ.
Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Ly kỳ chuyện cứu hộ2
Hai chú voọc chân nâu cực kỳ quý hiếm được thảo cầm viên cứu hộ Ảnh: Thảo cầm viên Cung cấp
Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Ly kỳ chuyện cứu hộ3
Thảo cầm viên từng tham gia cứu hộ voi rừng Ảnh: Quang Viên
Cực trần thân vì cứu hộ đa chủng loài
Anh Trung Trực tâm sự: “Một số trung tâm cứu hộ ở VN chỉ cứu hộ một loài. Ví dụ như Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn quốc gia Tam Đảo hoặc Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp (EPRC) Cúc Phương. Còn TCV là nơi cứu hộ đa chủng loài nên từ khâu cứu hộ đến chăm sóc đủ loài thú hoang dã nên quá vất vả”.
Mới đây, vào đêm 27.10.2017, Cơ quan điều tra Công an H.Lộc Ninh, Bình Phước đã bắt một đối tượng tàng trữ động vật hoang dã nên yêu cầu TCV cứu hộ trong khi chờ cơ quan điều tra thực hiện các thủ tục pháp lý, xử lý vụ việc. Đó là một “lô hàng” động vật hoang dã rất khủng gồm 52 chú khỉ, 16 rắn hổ mang chúa, 11 tê tê Java. Trong đó, hổ mang chúa và tê tê Java được xác định thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc cứu hộ cùng lúc 3 chủng loài với số lượng lớn đòi hỏi phải chuẩn bị chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc riêng. Từ Lộc Ninh, các cán bộ cứu hộ phải làm việc suốt đêm để đảm bảo việc cứu hộ diễn ra kịp thời, thuận lợi. Trong khi đó, ở TP.HCM, các bác sĩ ở tổ chăn nuôi ở TCV cũng cấp tốc chuẩn bị chuồng trại, khẩu phần ăn cho rắn, tê tê và khỉ. “Khổ nỗi hổ mang chúa chỉ ăn rắn, còn tê tê Java thì ăn trứng kiến mỗi ngày hơn 2 kg nên chỉ riêng việc tìm thức ăn cho chúng cũng cực trần thân lắm rồi”, anh Trực than thở. Còn đàn khỉ do đối tượng tàng trữ động vật trái phép thu gom khắp nơi, khỉ không chung một đàn nên khi về nhốt chung trong chuồng tại TCV thì bọn nó đâu chịu “đội trời chung” nên “quậy” tưng bừng và đánh nhau chí chóe. Vì thế, TCV phải tìm cách nhanh chóng xây dựng chuồng, tách đàn để vãn hồi trật tự.
Chuyện làm “vú em” cho đàn rái cá 7 con mới lọt lòng do Công an Q.Gò Vấp bàn giao tháng 12.2017 cũng thú vị không kém. 4 nhân viên nuôi bộ thú non phải chia ca nhau trắng đêm để cho chúng bú. Đến giai đoạn tập ăn thì phải đút từng con cá... “Cứu hộ động vật hoang dã là công việc gian nan vất vả mà nếu ai không yêu nghề thì không bao giờ làm được, và phải xác định tư tưởng là đâu cần mình cũng có, đâu khó mình cũng đi”, anh Trung Trực chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.