Thảo cầm viên (TCV) Sài Gòn hiện được xem là một trong những nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ các loài thú bài bản. Nhưng trong quá khứ đã từng xảy ra những sự cố hy hữu ít ai biết.
Cách đây hơn 20 năm, vào một buổi trưa đẹp trời, khung cảnh vắng lặng, bỗng dưng xuất hiện một chàng thanh niên ăn mặc chỉnh tề cầm đàn ghi ta leo qua hàng rào sắt cao hơn 5 m, vào ngồi gảy tưng tưng giữa... chuồng sư tử. Điều kỳ lạ là chú sư tử vốn rất dữ dằn lại ngồi im cách chàng thanh niên vài mét, mắt lim dim chăm chú lắng nghe tiếng đàn. Khi nhân viên TCV phát hiện ra sự việc động trời này, không ai dám động đậy. Vì họ nghĩ, nếu làm chú sư tử tỉnh cơn mê âm nhạc hoặc anh chàng nọ ngừng đàn mà có những động tác lạ thì nguy to. May sao, nhân viên chăm sóc thú đã nhanh trí kéo cửa chuồng ép và dụ được chú sư tử chui vào trong rồi đóng cửa lại. Lát sau, nhân viên vườn thú vào đến nơi thì thấy “đàn sĩ” có vấn đề này đột nhiên lăn ra bất tỉnh. Cũng may là sau đó anh chàng hồi tỉnh lại.
Vào tháng 9.2000, khi các nhân viên TCV đi ăn trưa, du khách cũng vắng. Lợi dụng lúc này, một người đàn ông đã trèo qua hàng rào bảo vệ phía sân chơi của chuồng cọp, chui vào nằm sát bên song sắt rồi thò tay... vuốt râu hùm và bị ông hùm cắn vào cánh tay phải bê bết máu. Tiến sĩ Phan Việt Lâm, nguyên Giám đốc TCV, kể lại, nghe nói ông này là bệnh nhân tâm thần. Trước đây, ông này cũng từng lén vào nằm mọp bên hàng rào mấy lần rồi. Ông ta tự xưng là bậc sư phụ hổ, có thể vuốt ve và thuần phục chúa sơn lâm... Nghe đâu có lần chú hổ cũng nằm im cho ông ta xoa lưng. Bảo vệ TCV đã nhiều lần kéo “sư phụ hổ” này ra, nhưng ông ta vẫn lén vào và rồi lãnh hậu quả. Dù sao cũng may là “sư phụ” chưa bị “đệ tử” xơi tái.
|
Thú dữ sổng chuồng
Sự cố xảy ra vào đêm 11.9.2006. Lúc đó thời tiết bất thường, mưa giông lớn làm bật gốc cây sọ khỉ lớn trong TCV, thân cây đổ đè lên mái nhà của bệnh xá thú y nằm ngay bên cạnh. Điều gây thót tim từ lãnh đạo cho đến nhân viên là ngăn chuồng nhốt 2 báo gấm, mỗi con nặng khoảng 30 kg bị phá hỏng, sập mái. Cơ hội “trời cho” này đã giúp chúng lẻn ra ngoài. Rất may nhân viên TCV đã kịp thời phong tỏa và khống chế nên 2 chú báo gấm chưa vượt qua tường rào sát bên để ra ngoài đường mà vẫn còn luẩn quẩn trong khu bệnh xá thú y. Tuy nhiên, báo gấm là loài thú nguy hiểm lại phải truy bắt chúng trong đêm tối, mất điện nên cực kỳ khó khăn. Các cán bộ thú y, nhân viên TCV phải dò dẫm trong đêm với ánh đèn pin và len lỏi giữa đống đổ nát của tòa nhà để tìm kiếm 2 chú báo. Cuối cùng thì mọi việc cũng êm xuôi, khi 2 chú được phát hiện thì các bác sĩ thú y “tặng” ngay cho 2 liều thuốc mê làm cho chúng “phê” tại trận, sau đó đưa về vị trí an toàn.
Xa hơn, vào mùa hè năm 1986, tại TCV, con hổ Đông Dương tên Long đã nhảy ra ngoài, báo hại cả vườn thú náo loạn. Nguyên nhân là trong một lần sơ ý, nhân viên quét dọn làm vệ sinh chuồng xong, sập cửa xuống nhưng quên cài chốt ngang mà cứ để vậy sang làm các ngăn kế bên. Có du khách táy máy kéo sợi dây cửa lên và Long thong dong tót ra ngoài. May sao, sau khi đi dạo gần chuồng mấy vòng, chàng hổ tên Long này thấy không đâu bằng nhà mình nên quay lại vào chuồng. Được biết đây là chú hổ mà năm 1979 một đơn vị bộ đội bắt được khi còn nhỏ rồi đem tặng cho TCV. Lúc đó, các nhân viên TCV đã cho bú và nuôi bộ (nuôi không có sữa mẹ) nên Long rất thân thiện với người nuôi và khá hiền lành. Có lẽ vì thế nên hổ tên Long không “quậy” khi ra được bên ngoài chăng?
Chuyện sổng chuồng còn xảy ra với mèo gấm. Vào một buổi sáng, công nhân nuôi thú phát hiện ô lưới ngăn chuồng mèo gấm bị thủng một miếng rất lớn và chàng mèo gấm đực số hiệu 1749 biến mất. Gần ba tuần tìm kiếm mà chú vẫn biệt vô âm tín. Rồi cũng vào một buổi sáng, nhân viên vườn thú mừng rỡ khi phát hiện chú mèo gấm ung dung nằm tận hưởng bầu trời tự do trên đảo vượn, cách chuồng cũ của nó khoảng 100 m. Điều lạ lùng là không biết làm sao mà chú mèo lại có thể vượt qua mương nước rộng hơn 5 m bao quanh chuồng vượn để leo lên cây. Sau đó thì chỉ cần một liều thuốc mê, nhân viên vườn thú đã đưa chú mèo trở về chuồng. Được biết, đây là chú mèo gấm duy nhất cho đến nay tại TCV.
Theo tiến sĩ Phan Việt Lâm: “Việc sổng chuồng là điều phải tính đến để có phương án đối phó. Chẳng ai đảm bảo điều đó không xảy ra dù chuồng trại có hiện đại mấy đi nữa”.
|
Thú bị khủng bố
Không chỉ thú gây tai nạn cho người, mà chính con người cũng gây tai nạn cho thú ở TCV. “Làm việc ở TCV đôi khi cũng rất căng thẳng do phải chú ý nhiều thứ, phải đề phòng cả những hành vi chọc phá hay bất bình thường từ một số du khách để đảm bảo an toàn cho chính vật nuôi”, TS Lâm chia sẻ. TCV vào những dịp đông khách, nhất là lễ tết, nhân viên ở đây phải bở hơi tai để dọn dẹp hàng giỏ cần xé đá, gạch, cành cây ở trong chuồng thú. Dĩ nhiên, với kiểu “khủng bố” như vậy sẽ khiến một số loài thú khó chịu, bất an, thậm chí bị thương tích. Một chú sư tử cái ở TCV từng bị tai nạn nghiêm trọng do du khách gây nên. Chuyện là thế này: chú sư tử đang khỏe mạnh bỗng dưng bỏ ăn. Rồi hôm sau chú cứ lấy chân cào lên mặt, máu từ miệng rỉ xuống, nhìn chú rất khó chịu khi cứ đi quần quần trong chuồng... Thấy biểu hiện quá bất thường, cán bộ thú y tiến hành gây mê để tiếp cận khám. Trong lúc kiểm tra “răng, hàm, mặt” cho chú thì mới tá hỏa là có một đoạn tre dài hơn 15 cm mắc ngang miệng sư tử, gài cứng giữa hai bên má phía trên lưỡi. Sau này truy tìm “thủ phạm” thì được biết một nhóm học sinh đã dùng cành tre bẻ gần chuồng chọc sư tử khiến chú bực mình cắn luôn cành tre, không ngờ lại lãnh hậu quả nặng nề.
Bình luận (0)