Tháo chạy khỏi bóng chuyền

08/01/2016 07:09 GMT+7

Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2016 chưa kịp ban hành điều lệ đã gặp nhiều biến cố khi nhiều CLB xin giải thể, trong đó có đội nữ Tập đoàn cao su Bình Phước và bất ngờ hơn cả là đội nam Đức Long Gia Lai.

Giải vô địch bóng chuyền quốc gia 2016 chưa kịp ban hành điều lệ đã gặp nhiều biến cố khi nhiều CLB xin giải thể, trong đó có đội nữ Tập đoàn cao su Bình Phước và bất ngờ hơn cả là đội nam Đức Long Gia Lai.

Đức Long Gia Lai xin giải thể - Ảnh: Dương Thu
Đức Long Gia Lai xin giải thể - Ảnh: Dương Thu
Lý do dẫn đến cảnh “tan đàn xẻ nghé” của những CLB này không hoàn toàn giống nhau. Nếu Tập đoàn cao su (TĐCS) Bình Phước không thể tồn tại vì không có tiền để nuôi cầu thủ thì Đức Long Gia Lai (ĐLGL) lại nằm ở vấn đề “tế nhị” (theo lời của ông Bùi Pháp, Chủ tịch Tập đoàn ĐLGL). 
Còn nhớ cách đây khoảng 7 năm, khi ra Hà Nội gặp gỡ giới truyền thông trong buổi ra mắt chủ công Nguyễn Hữu Hà, ông Pháp đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ gắn bó lâu dài với bóng chuyền và để minh chứng cho lời nói này, ĐLGL đã đầu tư những khoản tiền lớn để mua nhiều hảo thủ trong nước lẫn khu vực. 
Nhưng hai ngày trước, ông Pháp lại phát ngôn: “Sau 7 năm đầu tư vào bóng chuyền, thành công mà đội bóng này đem lại rất lớn. Nhưng rất tiếc, cho dù thời điểm hiện tại Tập đoàn ĐLGL vẫn làm ăn tốt, chúng tôi vẫn phải chia tay bởi nhiều lý do khó nói”.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi với ông Lê Trí Trường, người vừa ngồi vào chiếc ghế Tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN (VVF), là VVF sẽ tính toán thế nào trước tình cảnh chủ doanh nghiệp “bỏ cuộc” hay hoàn cảnh khó khăn thật sự của một số đội bóng “ăn lương” từ cơ quan chủ quản, ông nói: “Đúng là tôi không thể vui khi một số CLB tuyên bố giải thể. Nguyên nhân về kinh tế cũng có, nguyên nhân xuất phát từ nội bộ rắc rối cũng có. Nhưng suy nghĩ một cách thấu đáo, việc giải thể đó lại là tín hiệu không quá đáng lo mà là xu thế tất yếu của xã hội. Một đội bóng muốn phát triển bền vững phải căn cơ, phải hội tụ đủ 3 yếu tố: chi phí hoạt động, cơ sở vật chất, đào tạo trẻ. Nếu không đảm bảo được sẽ khó tồn tại. Với ĐLGL, chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức về việc giải thể nhưng chắc chắn VVF sẽ bảo vệ quyền lợi của các cầu thủ, xem họ được đền bù hợp đồng có thỏa đáng không và chuyển nhượng sang CLB khác thế nào”.
Ông Trường cho biết thêm, tuy có hai đội giải thể nhưng giải vô địch quốc gia có bao nhiêu đánh bấy nhiêu, không đôn đội hạng dưới lên cho đủ 12. “Năm nay, sẽ có 11 đội nam, 11 đội nữ và chỉ có 1 đội xuống hạng. Lộ trình của bóng chuyền VN là sau này sẽ rút gọn số lượng còn 8 đội như các nước khác đang làm. VVF sẽ học tập Liên đoàn Bóng đá VN, đưa ra tiêu chuẩn cụ thể và đội nào không đạt chuẩn sẽ không được tham dự. Đó là một trong những hướng đi dần lên chuyên nghiệp”.
Ngoài hai đội giải thể kể trên, ở giải A1, đội vừa bị xuống hạng là nữ Phòng không không quân cũng đã chính thức giải thể vì thiếu kinh phí. 
Bộ Quốc phòng cũng vừa ra “tối hậu thư” cho các CLB bóng chuyền quân đội là CLB nào không tự chủ được tài chính sẽ buộc phải giải tán. Hiện tại, đội nam Quân khu 4 đang sống khá “bấp bênh” vì không có tài trợ. Đội Biên phòng cũng đang vất vả tìm nhà đầu tư. Quân đoàn 4 suýt bị giải thể nếu không có Becamex “cứu” vào giờ chót. Chỉ còn lại hai đội Thể Công Binh đoàn 15 (nam) và Thông tin Liên Việt Post Bank sống khỏe vì có mạnh thường quân dư dả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.