"Ngôi sao đang lên" nhưng sức cạnh tranh vẫn thấp
Phát biểu tại Hội thảo, TS Đỗ Cẩm Thơ - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục Du lịch - cho biết ngành du lịch đang đạt tốc độ phát triển rất nhanh. Tổ chức Du lịch thế giới dự báo đến 2020 du lịch toàn cầu sẽ đạt 1,4 tỉ lượt khách đi du lịch nhưng con số này đã đạt vào năm 2018. Trong đó, du lịch Việt Nam được đánh giá là "ngôi sao đang lên" với tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới. Tổng kết 9 tháng 2019, Việt Nam đón hơn 12,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước và 66 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng doanh thu đạt 504.000 tỉ đồng, trong khi cả năm 2018 thì tổng doanh thu đạt 620.000 tỉ đồng. Ngành du lịch không chỉ đóng góp GDP mà có tính chất lan tỏa với nhiều ngành kinh tế khác. Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch năm 2019. Trong đó, Việt Nam có chỉ số tăng cao nhất là về chính sách visa với 63 bậc (từ vị trí 116 lên 53). Các chỉ số khác được cải thiện so với hai năm trước còn có: Cạnh tranh về giá, từ vị trí 35 lên 22; cơ sở hạ tầng hàng không, từ vị trí 61 lên 50; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, từ vị trí 113 lên 106...
|
Tuy nhiên, bà Thơ đánh giá mức độ cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn thấp. Có nhiều yếu tố bị tụt hạng như yếu tố bền vững về môi trường, hạ tầng du lịch, mức độ ưu tiên, hạ tầng mặt đất và cảng... Bên cạnh đó, còn nhiều bất cập trong công tác thống kê khiến các con số chưa đạt độ tin cậy cao, kéo theo nhiều bất cập trong chính sách quản lý. Vấn đề liên kết giữa du lịch với các ngành còn rất lỏng lẻo.
"Tổng cục Du lịch đã kiến nghị nhiều lần về việc đong đếm số lượng khách song song với tổng doanh thu của ngành cần đi cả theo chiều rộng và chiều sâu. Tuy nhiên Tổng cục Thống kê chưa có nghiên cứu công bố chính thức mà chỉ tính toán về tổng doanh thu trực tiếp của ngành du lịch và mục tiêu năm 2020 đón khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế" - bà Thơ dẫn chứng và khẳng định Tổng cục Du lịch luôn mong muốn được ủng hộ, kết nối giữa các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy du lịch thật sự phát triển.
Chiếc áo thể chế quá chật
TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trường Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho rằng với gần hết các giải thưởng du lịch quy mô thế giới mà Việt Nam đã đạt được, với các con số ấn tượng về lượng khách, tốc độ phát triển của du lịch trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng du lịch Việt Nam đang trên đường để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên trên con đường phát triển còn nhiều điểm nghẽn và một loạt vấn đề cần giải quyết. Tại sao trên 80% khách đến Việt Nam không quay lại? Tại sao chi tiêu của du khách chưa vượt quá được 90 USD/ngày? Tại sao chỉ số lưu trú của du khách không vượt 2,6 ngày?
Với loạt vấn đề nêu trên, TS Phạm Trung Lương dẫn lý giải của lãnh đạo ngành du lịch về các điểm nghẽn, trong đó có hạ tầng yếu kém, chính sách thị thực, xúc tiến, quảng bá yếu; nhân lực du lịch và liên kết phát triển du lich chưa tốt. Tuy nhiên theo ông Lương, các điểm nghẽn trên đúng nhưng chưa đủ. Du lịch Việt Nam đang là cơ thể “khổng lồ” nhưng cho mặc một chiếc áo bé tí. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng nhưng chưa được đối xử đúng mức, chưa được quan tâm để mổ xẻ, tháo gỡ từng vấn đề.
|
Đơn cử, Việt Nam luôn được đánh giá có nguồn tài nguyên dồi dào, tiềm năng lớn để phát triển nhưng vấn đề nuôi dưỡng tài nguyên ra sao, cứ khai thác đến lúc nào cạn kiệt… thì chưa được nói đến. Ngay từ Quy hoạch Du lịch đầu tiên năm 1994, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã đề xuất xin sử dụng 50% lệ phí khách vào Việt Nam cho công tác bảo tồn cả tự nhiên và văn hóa nhưng đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, tạo thành điểm nghẽn lợi ích cục bộ. Tương tự, từ năm 2000, các chuyên gia đã nghiên cứu, đề xuất cụ thể về tiêu chí phát triển bền vững du lịch. Nghiên cứu dù đã có hội đồng đánh giá và nghiệm thu, sau đó đề xuất lên Tổng cục Du lịch, Bộ Thể thao Văn hóa và Du lịch nhưng không được sử dụng. Rồi vấn đề phát triển nhân lực, tầm nhìn để khai thác các giá trị tài nguyên, bệnh thành tích chạy theo số lượng… đang là những nút thắt lớn khiến du lịch Việt Nam mãi chưa thể đột phá.
Liên quan đến xung đột lợi ích giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch, TS Phạm Trung Lương khẳng định không có doanh nghiệp thì không có ngành du lịch. Các doanh nghiệp “đầu đàn” như VinGroup, SunGroup, Vietravel… là xương sống của ngành du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang rất thiếu các sản phẩm vui chơi, giải trí. “Nói tóm lại, nhận thức, tư duy, tầm nhìn và năng lực tổ chức là 4 yếu tố quan trọng cần phải có cái nhìn nghiêm túc, thay đổi nếu muốn du lịch thật sự có thể đột phá và là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển” - ông Lương nhận định.
Bình luận (0)