Ông nói nhiều năm qua các nghị quyết của Đảng đã đề cập cơ chế quỹ và sử dụng các quỹ phát triển KH-CN để cấp kinh phí cho hoạt động KH-CN. Tuy nhiên, thực tế lại chưa làm được.
Ai trúng thì làm
"Ở các nước phát triển đều dùng cơ chế quỹ để tài trợ cho các nghiên cứu và ứng dụng. Chúng ta lại dùng phương thức rất lạc hậu là dự toán ngân sách theo năm tài chính. Vì vậy, các nghiên cứu KH-CN phải chờ đợi cấp kinh phí từ 1 đến nhiều năm kể từ khi có đề xuất, đặt hàng của nhà nước. Điều này làm giảm hiệu quả của hoạt động KH-CN, gây nhiều khó khăn cho các nhà khoa học", ông Quân nói và đề nghị cho thành lập và tái thành lập các quỹ phát triển KH-CN ở tất cả các bộ, ngành, địa phương để sử dụng cơ chế quỹ cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN.
Nguyên Bộ trưởng KH-CN nói rất mừng khi Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt mục tiêu dành 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và sẽ tăng dần. Ông kiến nghị dành một phần nhất định trong số 3% này cho các đề tài, dự án KH-CN của đất nước và phân bổ trực tiếp qua các quỹ KH-CN. Khi đó, bất kể nhiệm vụ KH-CN nào được đề xuất, đặt hàng ngay lập tức được cấp kinh phí từ quỹ, tránh tình trạng kéo dài như hiện nay. "Chỉ cần dành khoảng 10 - 11% trong 3% này cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, tôi tin có thể tạo ra bước nhảy vọt của các đề tài, dự án KH-CN", ông Quân nhấn mạnh.
GS-TS Vũ Thị Thu Hà, Phó viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp VN, cũng đề nghị sớm chấm dứt cảnh tượng nhà quản lý và nhà khoa học họp 5 - 7 cuộc, "cò kè với nhau từng đồng" một cách không cần thiết bằng cơ chế quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Bà Hà nói hiện nay các nhà khoa học đang tốn đến 50% năng lượng để làm những công việc "chả liên quan" khoa học, nhưng không làm thì không thể thực hiện các nhiệm vụ khoa học. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả.
"Ai cũng biết một nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN kinh phí chỉ có khoảng đấy thôi, không thấp hơn, cũng không nhiều hơn. Tại sao chúng ta không đặt luôn đầu bài kèm kinh phí rồi đấu thầu, tuyển chọn, ai trúng thì làm? Làm ngay từ đầu sẽ giải phóng được 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học dành cho chuyên môn", bà Hà kiến nghị.
Mở "cánh cửa" sản xuất kinh doanh
GS-TS Vũ Thị Thu Hà cũng đề nghị sớm tháo gỡ khó khăn để các sản phẩm nghiên cứu KH-CN có thể vượt qua "thung lũng chết" đến được các nhà máy, trở thành sản phẩm thương mại, tạo giá trị gia tăng và nguồn thuế. Với kinh nghiệm "cắm" sổ đỏ để có kinh phí đưa kết quả nghiên cứu trở thành sản phẩm thương mại, bà Hà nói việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu hiện nay thiếu cả tài chính và hành lang pháp lý. Bà nói với quy định doanh nghiệp phải tham gia 70%, nhà nước chỉ 30% kinh phí thì sẽ không có doanh nghiệp nào đi mua một sản phẩm vẫn còn tương đối dở dang của nhà khoa học. "Người ta chỉ bỏ tiền để thu lợi nhuận chứ không bỏ ra để mua rủi ro", bà Hà nói.
Nguyên Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân thì nhìn nhận 2 "điểm nghẽn" chính khiến các đề tài nghiên cứu phải bỏ ngăn kéo dù được nghiệm thu xuất sắc là quyền sở hữu và định giá kết quả nghiên cứu khi thực hiện chuyển giao thương mại. Ông nói hiện nay kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách thuộc sở hữu nhà nước. Đồng thời, khi chuyển giao cho doanh nghiệp, nhà nước định giá và mong muốn thu hồi đầu tư ngân sách một cách trực tiếp sau khi chuyển giao. "Tôi cho rằng đây là quan điểm không phù hợp với kinh tế thị trường", nguyên Bộ trưởng KH-CN nói.
Ông Quân cho biết ở các nước phát triển, quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu mặc định giao cho nhà khoa học. Vì thế, nhà khoa học có thể dùng kết quả nghiên cứu chuyển giao, góp vốn cho doanh nghiệp, thậm chí dùng kết quả nghiên cứu làm vốn để tự lập doanh nghiệp. Trong khi đó, pháp luật chúng ta chưa làm được điều này. Thậm chí, tới nay, các nhà khoa học còn bị cấm thành lập và điều hành doanh nghiệp. "Không mở cánh cửa sản xuất kinh doanh và liên kết doanh nghiệp thì khó tạo ra sự phát triển cho KH-CN", ông Quân nói và mong muốn sau Nghị quyết 57, pháp luật sẽ được sửa đổi để giao quyền tự chủ cao nhất cho người làm khoa học.
Bình luận (0)