Tháo 'điểm nghẽn' thể chế để phát triển văn hóa

17/12/2022 06:41 GMT+7

Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, hiệu quả chưa cao, trong khi việc huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa còn nhiều vướng mắc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, nhiều “điểm nghẽn” thể chế cần được tháo gỡ để văn hóa phát triển.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đắc Vinh (ảnh) cho hay, nhằm định hình, thống nhất những khung chính sách nhằm khơi thông nguồn lực cho văn hóa, tới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội chủ trì cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Ngọc Thắng

“Thể chế, chính sách cũng là một nguồn lực. Khi chúng ta có khung chính sách được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch sẽ nâng cao hiệu quả huy động cũng như sử dụng nguồn lực cho phát triển văn hóa”, ông Vinh nhấn mạnh.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã khẳng định: “đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”. Đây có phải là một “điểm nghẽn” thể chế cần được tháo gỡ không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đắc Vinh: Nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa gồm 2 nguồn chính: Một là từ ngân sách nhà nước; hai là nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân và các chương trình hợp tác quốc tế mà chúng ta vẫn gọi là xã hội hóa. Về nguồn lực nhà nước đầu tư cho văn hóa thì trước nay Đảng, Nhà nước phấn đấu tối thiểu đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ đầu tư cho văn hóa mới đạt được khoảng trên dưới 1,7%. Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ dưới 1,8% hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng và đề nghị cần tăng tỷ lệ này lên 2%.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không chỉ nằm ở tỷ lệ đầu tư ngân sách cho lĩnh vực văn hóa. Vấn đề còn nằm ở hiệu quả của việc đầu tư. Việc giải ngân đầu tư công trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua có nhiều vướng mắc trong quy định pháp luật, nhất là các tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, nên triển khai chậm. Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, việc hoạch định còn manh mún, dàn trải dẫn đến hiệu quả chưa cao. Đây chính là một trong những “điểm nghẽn” về thể chế cần được nhận diện, phân tích và tháo gỡ.

Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do nhà nước đặt hàng, hãng phim tư nhân góp vốn sản xuất là bộ phim thành công về doanh thu và được đánh giá cao về mặt nghệ thuật.

Galaxy

Thêm nữa, không ở quốc gia nào nhà nước có thể đầu tư 100% cho văn hóa. Như tại Hàn Quốc, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho văn hóa chỉ 1,5% tổng chi ngân sách, song Hàn Quốc đã khai thác được các giá trị văn hóa để tạo ra nguồn lực rất lớn để đầu tư trở lại cho văn hóa. Do vậy, tháo điểm nghẽn ở đây không chỉ là làm sao để tăng và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách đầu tư cho văn hóa mà cần phải tập trung vào thể chế, chính sách để khai thác tốt các giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó tạo ra nguồn lực đầu tư trở lại cho văn hóa. Chỉ khi đó thì nguồn lực đầu tư cho văn hóa mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Không chỉ nguồn đầu tư từ ngân sách, việc huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa cũng có nhiều vướng mắc, thưa ông?

Nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp, cộng đồng cho văn hóa là rất lớn. Hiện nay, một dự án du lịch, văn hóa của doanh nghiệp có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng, nhiều hơn ngân sách nhà nước đầu tư cho văn hóa của cả tỉnh, thậm chí nhiều tỉnh. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa từ xã hội, cộng đồng ở nước ta đang ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, đúng là việc huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng người dân cho bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như phát triển văn hóa cũng còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách, hành lang pháp lý. Chẳng hạn, các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng lĩnh vực văn hóa chưa có quy định. Hay hiện nay luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không có quy định thu hút đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Hay các quy định về việc các doanh nghiệp khai thác các di sản văn hóa cũng chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng…

Nếu như chúng ta có những quy định rõ ràng, đầy đủ thì chắc chắn sẽ khuyến khích, thu hút tốt hơn sự đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa cũng như xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời cũng tránh được các tác động tiêu cực. Nói cách khác, điều mà chúng ta cần phải bàn là làm sao có được các chính sách tốt huy động được các nguồn lực nhiều nhất để phát triển văn hóa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này cho dù là nhà nước hay xã hội. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như Quốc hội.

Đầu tư nhân lực văn hóa chưa xứng tầm

Chúng ta thấy khá rõ những vướng mắc trong nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa, vậy còn đầu tư cho nguồn nhân lực văn hóa thì sao?

Trong các nguồn lực cho văn hóa thì nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt. Việc khó đến mấy mà người làm có trình độ thì hoàn toàn có thể có những sản phẩm văn hóa đặc sắc. Ngược lại, nếu không có những người có năng lực, trình độ thì có hô hào khẩu hiệu đến mấy thì hiệu quả công việc cũng chỉ ở mức độ nào đó. Chẳng hạn, một cán bộ văn hóa xã thay vì chỉ yêu cầu treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, chúng ta bố trí một người có am hiểu về văn hóa thực sự thì chắc chắn văn hóa cơ sở sẽ có sự thay đổi. Hay nếu chúng ta tập trung nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng lớp nghệ sĩ tinh hoa có chuyên môn giỏi thì chắc chắn sẽ có sản phẩm văn hóa tốt.

Việc đầu tư cho nguồn nhân lực văn hóa ở ta hiện nay nếu nói là xứng tầm chưa thì tôi cho là chưa xứng tầm. Từ hệ thống đào tạo chuyên môn, cán bộ quản lý văn hóa, cho tới vấn đề lương, thu nhập cho những người làm văn hóa. Ở Hàn Quốc có hẳn một chương trình để lựa chọn những người trẻ có năng khiếu để đưa đi đào tạo ở nước ngoài, nhằm xây dựng một lớp nghệ sĩ tài năng. Nếu có sự đầu tư tốt cộng với môi trường tốt thì sẽ tạo ra các sản phẩm tốt, từ đó góp phần phát triển văn hóa đất nước nói chung. Như vậy, vấn đề vẫn nằm ở cơ chế, chính sách, tạo nền tảng, không gian để cho nghệ sĩ và những người làm văn hóa phát huy năng lực.

Chúng ta nói nhiều về những điểm nghẽn thể chế từ nguồn lực tài chính cho tới nguồn lực con người. Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những điểm nghẽn này, tạo động lực cho văn hóa phát triển?

Đây là vấn đề lớn và đòi hỏi hệ thống các giải pháp toàn diện, lâu dài. Theo tôi, đầu tiên phải tăng đầu tư một cách thỏa đáng cho văn hóa. Đầu tư ở đây không phải chỉ là tiền mà đầu tư thỏa đáng về công sức, trí tuệ, đặc biệt là trong việc rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Chỉ khi đầu tư thỏa đáng mới mong muốn có chất lượng.

Bên cạnh đó, cũng cần phải công khai, dân chủ, minh bạch và khoa học trong việc hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Bởi lẽ, mỗi chính sách bao hàm trong đó rất nhiều yếu tố, thậm chí là mâu thuẫn nhau, nhất là khi những người làm chính sách lại bị tác động bởi các nhóm lợi ích. Vì vậy, cùng với việc đầu tư thì đảm bảo các chính sách khoa học, chất lượng sẽ giúp huy động và phát huy các nguồn lực để phát triển văn hóa.

Xin cảm ơn ông!

Kiến nghị hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa

Hôm nay 17.12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục theo phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa tại tỉnh Bắc Ninh theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận nhằm phân tích cũng như đánh giá tình hình thực hiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa. Trên cơ sở đó, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.