Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết nguyên nhân tháo dỡ là do các tượng linh vật này trước kia đặt không đúng vị trí quy hoạch đô thị, trong khi nội dung quy hoạch đô thị lại không có những tượng này nên Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng.
|
Cũng theo ông Lượm, mới đây, đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Nam có kiểm tra Nghị quyết 33 chung về lĩnh vực văn hóa. Trong nhiều nội dung kiểm tra liên quan, đoàn công tác có đề cập tới việc dựng những bức tượng linh vật chó này. “Theo kết luận của Tỉnh ủy Quảng Nam, những tượng linh vật chó này được dựng không đảm bảo các quy định. Theo quy định, muốn đặt tượng phải có văn bản của cấp trên, phù hợp quy hoạch đô thị. Tỉnh ủy yêu cầu tháo dỡ và huyện chấp hành, chứ cũng không có vấn đề gì lớn”, ông Lượm nói thêm.
Trước đó từ đầu năm 2018, chính quyền H.Tây Giang đã cho dựng ít nhất 5 tượng đá tạc hình chó tại trục đường chính của trung tâm hành chính huyện và dọc tuyến đường dẫn vào Làng truyền thống du lịch sinh thái Pơmu (xã A Xan). Bên dưới tượng có bài thơ tạc trên phiến đá cẩm thạch màu đen, ghi rõ tác giả là Quanh Lê, có tựa Năm Tuất dựng tượng Tổ với những câu thơ như sau:
Xưa câu chuyện kể rằng
Tổ tiên người Cơ Tu
Sinh ra từ Cha Chó
Nay có họ Z’râm
Dù chỉ là truyền thuyết
Trần gian nào ai hơn
Chung thủy nhất với người
Chắc chắn chỉ loài chó
Cơ Tu nhớ cội nguồn
Dựng tượng thờ Tiên Tổ
Hạnh phúc hay gian khó
Yêu thương con Chó hiền.
Theo một già làng người Cơ Tu ở xã Lăng (H.Tây Giang), câu chuyện về “cha chó” cũng chỉ là truyền thuyết và có thể là không có thật. Vì thế, nếu có dựng tượng linh vật thì chỉ nên dựng ở một vài điểm nào đó thật phù hợp như trước nhà mồ, gươl... Việc lạm dụng dựng tượng tràn lan là không cần thiết.
|
Già làng này cũng lý giải, theo truyền thuyết về “cha chó” được kể lại, có nội dung giải thích về nguồn gốc khai sinh loài người sau một trận đại hồng thủy theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu, chứ không phải con chó là tổ tiên của người Cơ Tu như dư luận lầm tưởng. Vì vậy ở khía cạnh khác, con chó chỉ đơn thuần là vật tổ của tộc họ Z’râm, gắn với nhiều câu chuyện văn hóa liên quan đến tộc họ này, nên không thể đại diện là “tổ tiên” cho tất cả đồng bào Cơ Tu.
Trong cuốn Văn hóa người C’tu của tác giả Bh'riu Liếc (nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang), nguồn gốc của người Cơ Tu được diễn giải theo truyền thuyết, cho rằng người Cơ Tu hình thành sau một cơn đại hồng thủy. Lúc ấy, trên mặt đất chỉ còn một cô gái và một con chó đực sống sót; qua thời gian, cô gái và chó trở thành vợ chồng bất đắc dĩ, sinh con đẻ cái trong túp lều tranh...
Tuy nhiên, tác giả Bh'riu Liếc cũng dẫn ra giả thuyết khác về nguồn gốc của người Cơ Tu, theo các cụ cao niên: gốc gác người Cơ Tu ở Bắc Trung bộ, khoảng ở vùng cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) ngày nay, vì phải chạy “giặc ong” mà vào Khu 7 Tây Giang (Quảng Nam) định cư từ đó cho đến nay.
Bình luận (0)