Tháo gỡ bất đồng về chú thích, treo lại ảnh thảm sát Mỹ Lai

09/03/2023 07:07 GMT+7

Chiều 8.3, ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai năm 1968, đã đồng ý chú thích lại bức ảnh gây tranh cãi và chấp nhận để Bảo tàng Sơn Mỹ treo lại toàn bộ số ảnh của ông liên quan đến vụ thảm sát Mỹ Lai.

Trước đó, Thanh Niên ngày 7.3 đã đăng bài viết Vụ gỡ ảnh thảm sát Mỹ Lai khỏi phòng trưng bày: nhà chứng tích không còn "chứng tích", đề cập việc ông Ronald Haeberle đã yêu cầu gỡ toàn bộ ảnh của ông khỏi phòng trưng bày của Bảo tàng Sơn Mỹ do bất đồng về chú thích bức ảnh Anh che đạn cho em của ông.

Sau nhiều lần thương thuyết giữa đại diện tỉnh Quảng Ngãi với ông Ronald Haeberle, chiều 8.3, tỉnh này đã chính thức có lời mời ông Ronald Haeberle đến dự cuộc gặp mặt để giải quyết những bất đồng xung quanh việc chú thích bức ảnh Anh che đạn cho em gây tranh cãi mấy năm qua.

Tháo gỡ bất đồng về chú thích, treo lại ảnh thảm sát Mỹ Lai - Ảnh 1.

Ông Ronald Haeberle thăm phòng trưng bày của Bảo tàng Sơn Mỹ, nơi từng treo những bức ảnh của ông, nay đã phải gỡ xuống (ảnh chụp ngày 7.3)

TRẦN ĐĂNG

Tham dự cuộc gặp có lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các sở, ngành liên quan. Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn ông Ronald Haeberle đã có thiện ý để có mặt tại cuộc gặp này nhằm tháo gỡ những bất đồng xung quanh chú thích một bức ảnh khiến mối quan hệ giữa tác giả bộ ảnh Mỹ Lai và Bảo tàng Sơn Mỹ đã có những rạn nứt lâu nay. Ông Tuấn cũng chân thành xin lỗi ông Ronald Haeberle về những vụ việc xảy ra trong thời gian qua giữa các bên khiến ông Ronald bị tổn thương do những hiểu lầm không đáng có.

Ông Ronald Haeberle cũng bày tỏ sự chân tình và mối thiện cảm của mình dành cho Quảng Ngãi cũng như bảo tàng và người dân Sơn Mỹ lâu nay. Ông nói rằng hôm 6.3, ông trở lại Sơn Mỹ và có ghé thăm phòng triển lãm của Nhà chứng tích Sơn Mỹ và cảm thấy buồn khi những bức ảnh quen thuộc của mình không còn ở những vị trí lâu nay nữa. Nhiều người dân Sơn Mỹ đã hỏi ông vì sao không còn những bức ảnh ấy nữa tại phòng trưng bày, ông rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc đó. Theo ông, những chuyện đau lòng trong quá khứ giữa hai nước Việt - Mỹ nên khép lại và đã thật sự khép lại. Tuy nhiên, ông luôn mong muốn những bức ảnh của mình về vụ Mỹ Lai phải được có mặt tại nhà trưng bày của Bảo tàng Sơn Mỹ, không phải để khơi gợi lại buồn đau trong quá khứ mà là để nhắc cho mọi người hôm nay đừng bao giờ lặp lại những sai lầm đó nữa.

Chính vì suy nghĩ như vậy nên ông chấp nhận chú thích lại bức ảnh theo gợi mở của phía đại diện Quảng Ngãi. Theo đó, thay vì "Trần Văn Đức che đạn cho em là Trần Thị Hà", nay ghi lại là "Anh che đạn cho em", có mở ngoặc "Chú thích của tác giả". Chú thích bây giờ không ghi tên nhân vật trong ảnh như yêu cầu của ông ban đầu và tuổi của từng em bé trong ảnh - những chi tiết dẫn đến tranh cãi lâu nay.

Cùng với việc chú thích lại bức ảnh, ông Ronald cũng đồng ý để Bảo tàng Sơn Mỹ treo lại toàn bộ số ảnh về vụ thảm sát như trước đây mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ sự biết ơn ông Ronald về một giải pháp đầy thiện chí như vậy và mong ông mãi là người bạn tốt của Quảng Ngãi cũng như của người dân Sơn Mỹ.

Được biết, trong chuyến trở lại VN lần này, ông Ronald Haeberle cùng những người bạn Mỹ đã trao tặng 300 suất quà gồm cặp và sách vở cho trẻ em Trường THCS Võ Bẩm, xã Tịnh Khê (tức Sơn Mỹ).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.