Tháo gỡ khó khăn cho thanh toán điện tử

27/09/2014 02:00 GMT+7

Ngày 26.9, tọa đàm “Phát triển thanh toán trong thương mại điện tử” do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cùng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Nhiều chuyên gia lẫn doanh nghiệp (DN) cho rằng vẫn còn quá nhiều rào cản trong việc thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử.

 Thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử hiện vẫn còn nhiều hạn chế - Ảnh: D.Đ.M

Thanh toán điện tử cho hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) chỉ mới đạt 19% các giao dịch, còn lại vẫn là giao dịch tiền mặt.  Theo ông  Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN - tính đến tháng 6.2014, có 50 ngân hàng phát hành 72,1 triệu thẻ. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm gần 92%, thẻ tín dụng chiếm 3,8%, còn lại là thẻ trả trước. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ tiếp tục được cải thiện với số lượng máy ATM đạt gần 15.700 máy, số lượng máy thanh toán thẻ (POS/EDC) đạt gần 147.500 máy. Trong 6 tháng đầu năm 2014, giao dịch qua POS đạt trên 14,6 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng trên 75.700 tỉ đồng. "Việc thúc đẩy thanh toán TMĐT cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành. Ví dụ Bộ Tài chính phải có chính sách khuyến khích, giảm thuế; hay Bộ Công thương yêu cầu các trung tâm thương mại phải thanh toán không dùng tiền mặt; Bộ GTVT có chính sách sử dụng phương tiện thanh toán trên các phương tiện công cộng... Ví dụ NHNN đã xây dựng nhà ăn cho hơn 1.000 nhân viên và quy định khi sử dụng dịch vụ  không được dùng tiền mặt, chỉ trả bằng thẻ qua máy POS", ông Tiên chia sẻ.

Theo ông  Nguyễn Vĩnh Lợi - Trưởng đại diện Công ty CP chuyển mạch tài chính quốc gia VN (Banknetvn) - tại TP.HCM, số thẻ phát hành nhiều nhưng giao dịch vẫn ít do số lượng thẻ có hoạt động chỉ chiếm khoảng 50% số lượng phát hành. Doanh số thanh toán thẻ nội địa năm 2013 chỉ đạt khoảng 13,6 tỉ đồng. Nguyên nhân nổi bật là do người tiêu dùng lo sợ chất lượng hàng hóa giao dịch TMĐT không đúng như quảng bá. Bên cạnh đó, hạ tầng thanh toán chưa ổn định khiến tỷ lệ giao dịch không thành công khá nhiều. Ngoài ra còn có một số hành vi như gian lận trong giao dịch trực tuyến chưa được xử lý triệt để khiến người dùng  không yên tâm trong thanh toán điện tử... Do đó cần có thêm sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và các đơn vị tham gia, như ngân hàng phải điều chỉnh quy trình dịch vụ để người dùng thuận tiện hơn khi thanh toán qua thẻ; rút ngắn thời gian chuyển tiền thanh toán cho các đại lý, công ty cung cấp dịch vụ để khuyến khích sử dụng thẻ nhiều hơn...

Theo ông Lê Minh Loan - Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng  công nghệ cao (Bộ Công an), các ngân hàng cũng phải xem xét quản lý chặt chẽ việc đăng ký, sử dụng tài khoản ngân hàng cũng như các loại thẻ tín dụng bởi thời gian qua đã có nhiều lừa đảo khi dùng CMND của người khác để mở tài khoản; đặt mua lại tài khoản của người khác; người nước ngoài vào VN trong thời gian ngắn đã mở tài khoản để chuyển, nhận tiền bất hợp pháp...

Mai Phương

>> Doanh thu thương mại điện tử tại VN sẽ đạt 900 triệu USD
>> VN cần đẩy mạnh quản lý thương mại điện tử
>> Tránh bị lừa trong giao dịch thương mại điện tử
>> Vực dậy thương mại điện tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.