Cũng theo ông Sinh, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã đánh giá cao Tổ công tác, Bộ Xây dựng vì đã thực hiện khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra, rà soát từng vấn đề vướng mắc ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 500 dự án bất động sản... Bước đầu, Tổ công tác đã có hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng… Bất động sản cũng tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động...
Do vậy, Tổ công tác cần tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận…, địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoàn thành trước ngày 20.4 tới.
Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các vướng mắc qua báo cáo của các địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về Tổ công tác, Phó thủ tướng giao các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phân nhóm theo nguyên tắc.
Nhóm các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, yêu cầu các Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25.4.2023 để các địa phương triển khai thực hiện.
Nhóm các vướng mắc do các quy định của pháp luật cần chỉ rõ các điều, khoản của thông tư, nghị định và các luật. Trong đó, đối với các vướng mắc có nguyên nhân từ các quy định tại thông tư, các Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành trong tháng 4.2023. Đối với các vướng mắc do mẫu thuẫn giữa các quy định hoặc quy định còn chưa cụ thể hoặc chưa có hướng dẫn trong các nghị định thì báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hình thức một nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với các vướng mắc có liên quan đến các luật, các vấn đề, nội dung mâu thuẫn mâu thuẫn giữa các luật: Đối với các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong các luật đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét như luật Đất đai (sửa đổi), luật Nhà ở (sửa đổi), luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thì đề xuất Quốc hội cho phép thi hành sau 45 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua; các vướng mắc chưa sửa đổi được ngay trong các luật đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết để giải quyết.
Đối với các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất… Trong trường hợp không lựa chọn được đơn vị tư vấn giá đất thì giao Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, các chuyên gia tư vấn giá đất thực hiện việc xác định giá đất theo đúng quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ, ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.
Các địa phương chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định rõ các nguyên nhân kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân các vướng mắc gửi về Tổ công tác trước 25.4 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận (0)