Thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII

15/12/2020 06:19 GMT+7

Ngày 14.12, Hội nghị T.Ư lần thứ 14 khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Đây là một trong những hội nghị T.Ư cuối cùng trước khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị T.Ư 14 bắt đầu họp để bàn về các nội dung: tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội Đảng bộ các cấp, của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII; giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; dự thảo Quy chế bầu cử; Quy chế làm việc tại Đại hội XIII của Đảng; và các vấn đề quan trọng khác.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự hội nghị ẢNH: TTXVN

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng dự hội nghị

ẢNH: TTXVN

Cân nhắc thận trọng khi bỏ phiếu giới thiệu

Đối với việc giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết tại Hội nghị T.Ư 13 vừa qua, các đại biểu đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự ủy viên T.Ư chính thức, ủy viên T.Ư dự khuyết và ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII. Sau đó, căn cứ vào kế hoạch xây dựng phương án nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ý kiến phát hiện, giới thiệu của Ban Chấp hành T.Ư, kết quả thẩm định của các cơ quan chức năng và đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, ngày 2.11.2020, Bộ Chính trị đã xem xét, thảo luận và bỏ phiếu quyết định phê duyệt Quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khóa gần đây (về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm) và rút ra các bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để xây dựng Đề án về phương hướng công tác nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới và thực tế đội ngũ cán bộ hiện có, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, xem xét một cách dân chủ, khách quan, toàn diện; rà soát chặt chẽ, kỹ lưỡng, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án nhân sự theo đúng phương hướng, quy trình công tác nhân sự đã đề ra.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay tại Hội nghị T.Ư 14, Bộ Chính trị sẽ báo cáo T.Ư về kết quả việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII (về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình phát hiện, giới thiệu và cách làm). “T.Ư sẽ thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh các đại biểu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ tờ trình của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan, suy nghĩ, cân nhắc thận trọng, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu quyết định giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Thông qua nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII

Về vấn đề tiếp thu, hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết sau Hội nghị T.Ư 13, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các tiểu ban tiếp thu ý kiến của T.Ư, hoàn thiện dự thảo các văn kiện, gửi xin ý kiến Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào ngày 20.10 để xin ý kiến rộng rãi của toàn dân. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết sau thời gian góp ý, các cơ quan chức năng của T.Ư đã tập hợp, tổng hợp, phân loại các ý kiến đóng góp từ hơn 1.400 trang của đại hội Đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân và xây dựng thành báo cáo tổng hợp chung với gần 200 trang.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết hầu hết các ý kiến góp ý đều thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, với nhân dân, đất nước; hoan nghênh việc T.Ư đã cập nhật tình hình thế giới, trong nước và ý kiến góp ý bước đầu của các nguyên lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, các nhà quản lý để hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện trước khi công bố lấy ý kiến nhân dân.
Cũng theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phần lớn các ý kiến cho rằng dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, có sự đổi mới, bảo đảm chất lượng; gắn kết giữa lý luận với thực tiễn; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; có nhiều điểm mới; thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng; phản ánh khách quan, toàn diện, sát với tình hình thực tế những kết quả đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo được tình hình, xu hướng phát triển của đất nước và thế giới trong thời gian tới, từ đó xác định đúng và trúng những định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, khá cụ thể để phát triển đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết thêm cũng có những ý kiến chưa tán thành hoặc chưa nhất trí cao với một số nội dung cụ thể. Cá biệt, có ý kiến đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng đã được khẳng định trong Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013. “Đối với những luận điệu sai trái này, báo chí, công luận đã kịp thời phản bác; bị nhân dân phê phán, dư luận xã hội không đồng tình”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trên cơ sở tổng hợp, nghiên cứu, phân tích các ý kiến góp ý, các tiểu ban đã xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo các văn kiện, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến chỉ đạo hoàn chỉnh, trình Hội nghị T.Ư lần này.
Hội nghị T.Ư lần này là một trong những hội nghị cuối cùng của khóa XII. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bàn nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị các ủy viên T.Ư nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân, đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thành thật tốt các nội dung, chương trình đã đề ra.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Do đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp ý cụ thể vào báo cáo tiếp thu, giải trình và toàn văn các dự thảo văn kiện với tinh thần thật sự cầu thị, trân trọng các ý kiến đóng góp đã được tập hợp. Ông nhấn mạnh hội nghị cần tập trung cho ý kiến đối với các đề xuất bổ sung, chỉnh sửa và toàn văn dự thảo các văn kiện, nhất là những vấn đề còn có ý kiến hoặc phương án lựa chọn khác nhau.
“Đồng thời cũng cần tỏ rõ chính kiến và có lập luận sắc bén, xác đáng để phản bác những ý kiến sai trái, đi ngược lại quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng. Từ đó, xem xét, thông qua nội dung các dự thảo văn kiện để hoàn chỉnh lần cuối trình Đại hội XIII của Đảng”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Đấu tranh với tiêu cực

Về dự thảo Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết vừa qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức T.Ư chủ trì, phối hợp với các ban và cơ quan của T.Ư Đảng nghiên cứu, rà soát lại các quy chế này tại các kỳ đại hội trước (từ Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng); tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế làm việc và Quy định về sinh hoạt của đại biểu tại đại hội (ở các Đại hội XI và XII) và đánh giá việc thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban Chấp hành T.Ư khóa XI ban hành.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị xây dựng dự thảo Quy chế làm việc và dự thảo Quy chế bầu cử tại đại hội lần này và hôm nay trình T.Ư xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Đại hội XIII xem xét, quyết định. “Tinh thần chung là phải phát huy dân chủ, trí tuệ, tâm huyết của mỗi đại biểu; đồng thời phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, các quy định, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, trách nhiệm của cá nhân mỗi đại biểu dự đại hội, đặc biệt là vai trò nêu gương của các ủy viên T.Ư Đảng khóa XII và các đồng chí trưởng đoàn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý.
Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị hội nghị đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Quy chế làm việc và Quy chế bầu cử trình Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các nguyên tắc, quy chế, quy định của Ban Chấp hành T.Ư Đảng; “kiên quyết đề phòng và đấu tranh với những việc làm tiêu cực, sai trái có thể xảy ra”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.