Trong buổi thảo luận, nội dung nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu (ĐB) là quy định "dao có tính sát thương cao" là vũ khí thô sơ. Nếu sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, dao có tính sát thương cao sẽ là vũ khí quân dụng.
Để phân biệt với dao thông thường, dự thảo định nghĩa "dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20 cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20 cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành". Dự thảo luật cũng quy định trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Chủ tịch nước Tô Lâm: 'Dao bây giờ sát thương lớn lắm'
NÊN COI LÀ HUNG KHÍ THAY VÌ VŨ KHÍ?
ĐB Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) cho rằng sẽ phù hợp khi coi các loại kiếm, giáo, mác, lưỡi lê... trang bị cho lực lượng vũ trang để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh là vũ khí thô sơ. Còn với dao, nếu sử dụng vào mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật, thì chỉ nên gọi là hung khí gây án.
Theo ĐB Lưu Văn Đức, trong mỗi gia đình hầu như đều có các loại dao phục vụ sinh hoạt hằng ngày, khi có mâu thuẫn xảy ra, không thể phân biệt loại dao nào có thể gây sát thương hoặc xâm phạm đến tính mạng và sức khỏe con người. Coi dao là vũ khí thô sơ, vậy các gia đình sẽ phải khai báo với cơ quan công an, nếu không là vi phạm vào hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí. Chưa kể, kéo, búa… cũng là những công cụ có thể gây sát thương, vậy có được coi là vũ khí thô sơ hay không?
ĐB Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết thử tìm kiếm trên Google về "dao có lưỡi dài 20 cm" thì ra một loạt hình ảnh các loại dao rất thông thường mà bếp nhà ai cũng có. "Vậy muốn quản lý việc sản xuất, kinh doanh loại dao này thì không rõ mục đích để làm gì?", bà Thủy nêu. Nữ ĐB cũng đặt vấn đề nếu dao do cơ sở sản xuất ra mà bị sử dụng làm vũ khí thì những cơ sở này có phải chịu trách nhiệm không? "Đây là vấn đề băn khoăn và vướng mắc, nếu ta không giải quyết vấn đề này thì sẽ gây hệ lụy lớn vì cả nước có đến 12 làng nghề sản xuất dao, chưa kể cơ sở công nghiệp với 12.300 cơ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh, 22.000 người tham gia", bà Thủy nói.
Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó tư lệnh Quân khu 1 (đoàn Bắc Kạn), cho rằng thực tế có rất nhiều loại dao có tính sát thương cao chứ không chỉ là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn như trong dự thảo. "Con dao phay cũng có thể trở thành vũ khí hay cái cuốc trong vụ án mạng ở Thái Nguyên cũng vậy, chẳng lẽ không phải là vũ khí có tính sát thương cao", ông Hữu dẫn chứng và đề nghị phải đặt khái niệm cho chính xác và thống kê danh mục cho đầy đủ.
Lãnh đạo các nước gửi điện, thư chúc mừng Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội
Ngày 24.5, lãnh đạo các nước Cuba, Thái Lan, CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Kazakhstan, Qatar, Nicaragua và Tổng thư ký LHQ gửi điện, thư và thông điệp chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước vừa được bầu.
Tổng thống Ý Sergio Mattarella và Chủ tịch Thượng viện Ý Ignazio La Russa gửi thư chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được bầu giữ trọng trách mới.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp Konstantinos Tassoulas gửi thư chúc mừng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội vừa được bầu.
TTXVN
CẦN QUY ĐỊNH VÀO LUẬT ĐỂ QUẢN LÝ
Trong khi đó, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, đồng tình quan điểm của dự thảo luật bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Dự thảo luật cũng quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.
"Có nhiều vụ, các đối tượng thanh niên ở các khu vực cửa ngõ thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, nhiều đối tượng chỉ 15 - 16 tuổi rú ga, nẹt pô mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn, kéo lê trên đường… rất khó xử lý. Cùng lắm xử tội gây rối trật tự với điều kiện là phải xử phạt vi phạm hành chính rồi", ông Trung nói và cho rằng nếu bổ sung như dự thảo luật lần này thì sẽ xử lý được các đối tượng vi phạm ở độ tuổi này. Dù vậy, Giám đốc Công an Hà Nội cũng đồng tình việc nhiều ĐB chỉ ra dự luật cần giải quyết theo tính năng, động cơ, mục đích. Chẳng hạn, phải chứng minh được rằng cùng là con dao ấy nhưng mục đích sử dụng khác nhau.
Giải thích về đề xuất quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết khác với các nước, xã hội của chúng ta an toàn, không có súng, các loại vũ khí, công cụ đe dọa, gây mất an toàn, an ninh cho bất kỳ người dân nào. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng súng đã dẫn tới nhiều vụ việc mất an toàn, an ninh cho người dân. Chủ tịch nước cũng cho biết nhiều lãnh đạo các nước, khách du lịch nước ngoài sang VN đều thấy xã hội VN rất an toàn. Khách nước ngoài, lãnh đạo có thể đi bất kỳ đâu. Khách du lịch đi đêm đi ngày không bị đe dọa gì cả.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước Tô Lâm, hiện có tình trạng hình thành các băng nhóm đe dọa lẫn nhau bằng dao, các loại công cụ khác mà hiện nay chúng ta chưa quản lý được do chưa đưa vào danh mục vũ khí. Chủ tịch nước cho hay trong báo cáo của cơ quan soạn thảo nói rất rõ, các vụ đâm chém nhau có tỷ lệ lớn là dùng dao. Trong khi chúng ta chưa đưa vào những thiết chế quản lý theo luật nên việc xử lý rất khó.
Cạnh đó, Chủ tịch nước nhìn nhận việc xử lý là một phần, quan trọng hơn là tuyên bố chúng ta không chấp nhận việc sử dụng dao với mục đích đe dọa, gây nguy hiểm cho người khác. "Bây giờ bảo là dao có ý nghĩa phục vụ đời sống dân sinh, hoạt động bình thường thì đúng là bình thường. Nhưng có trường hợp đi cả hàng chục người, ông lại có dao, mã tấu để trong cốp xe, rồi hàn những loại có cán thì không thể nói đây là tôi đi phục vụ sản xuất gì được", Chủ tịch nước Tô Lâm phân tích và nhấn mạnh những loại dao, công cụ như vậy là nghiêm cấm, kể cả lưu giữ, không được sử dụng.
Theo Chủ tịch nước, "dao bây giờ sát thương lớn, kể cả dao ăn cũng có thể làm chết người được", do đó, cần phải bổ sung quy định để quản lý. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng lưu ý vẫn phải có "ranh giới" để tạo điều kiện cho hoạt động đời sống hằng ngày của người dân. "Nó không phải là vật liệu nổ hay không phải vũ khí giết người, nó còn để phục vụ cho sản xuất, phục vụ đời sống nhưng không được có yếu tố đe dọa, không được làm ảnh hưởng đến trật tự chung. Phải có nề nếp để quản lý, đặc biệt không được lợi dụng việc đó để gây nguy hiểm cho người khác", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Có phát sinh thêm thủ tục hành chính?
Dự thảo cũng quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất với công an cấp xã.
Cho ý kiến về nội dung này, ĐB Nguyễn Phương Thủy băn khoăn nếu phải thực hiện quy định khai báo như dự thảo, khối lượng công việc hành chính cho các cơ quan phải thực hiện là rất cao, đồng thời tạo thêm thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, gây hao tốn kinh phí xã hội. "Trong khi tôi thấy chưa chứng minh được sự cần thiết, hiệu quả của quy định này", bà nói.
ĐB Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cũng cho rằng ngoài những cơ sở sản xuất dao chính quy thì hiện có rất nhiều cơ sở theo quy mô bếp, lò rèn. Vậy quy định như dự thảo có phải là điều kiện kinh doanh không? Hiện, theo pháp luật về đầu tư, đây không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó trường hợp thay đổi thì phải có đánh giá tác động kỹ lưỡng, nếu không người dân làm theo thói quen, phong tục tập quán, không đăng ký khai báo thì sẽ vô tình vi phạm quy định pháp luật.
Bình luận (0)