Danh hiệu UNESCO sau 7 năm chờ đợi
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, gửi một lá thư tới lễ đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa tại Ninh Thuận ngày 14.4. Theo ông, đây là một niềm vui, một giá trị lớn. “Kể từ năm 2015 tới nay, Việt Nam chưa có thêm một khu dự trữ sinh quyển thế giới nào được UNESCO ghi danh. Hôm nay là 7 năm kể từ lần ghi danh gần nhất, nên buổi lễ này càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn. Núi Chúa đã chính thức trở thành thành viên mới trong gia đình 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam và cũng là thành viên trẻ nhất trong Mạng lưới Con người và sinh quyển thế giới với 727 thành viên, trong đó có 168 thành viên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Christian Manhart viết.
Vườn quốc gia Núi Chúa - khu dự trữ sinh quyển thế giới |
Nguyễn Văn Hợp |
GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch quốc gia Chương trình Con người và sinh quyển Việt Nam, cũng là người đóng góp lớn vào việc làm hồ sơ, cho biết ngay từ đầu nhóm thực hiện đã luôn tin tưởng vào việc Vườn quốc gia Núi Chúa sẽ được vinh danh. “Riêng vùng này là vùng khô hạn, lượng mưa chỉ tập trung trên dưới 500 mm, nên nếu nhìn về khó khăn thì đó là khó khăn, nhưng nhìn tích cực thì đó lại là một đặc trưng riêng có. Ví dụ Indonesia thì lượng mưa khoảng 3.000 mm, vì đó là vùng nhiệt đới. Còn mình, tuy nằm trong vùng nhiệt đới nhưng lượng mưa lại rất thấp. Do đó, về nguyên tắc chung những gì quý hiếm, đặc trưng thì mình phải giữ và đồng thời làm nổi bật nó”, GS-TS Trí nói.
Theo hồ sơ gửi UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) có tổng diện tích hơn 106.000 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là nơi sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm. Khu dự trữ sinh quyển này là “ngôi nhà chung” của hơn 1.511 loài thực vật, trong đó 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới (IUCN); 765 loài động vật, trong đó 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.
Cũng theo hồ sơ UNESCO, khu Núi Chúa còn là nơi có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển. Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, hiện đang được bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt. Vịnh Vĩnh Hy, nằm trong khu Núi Chúa, là 1 trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam cũng nhận danh hiệu Di tích quốc gia vào ngày 14.4.
Vịnh Vĩnh Hy |
Nguyễn Văn Quang |
Với khí hậu được đánh giá khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm, một hệ sinh thái bán khô hạn đặc trưng đã hình thành. Đó là các loài thực vật thường có đặc trưng điển hình như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn, lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như: xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn… Do đó, Vườn quốc gia Núi Chúa còn được biết đến với cái tên “Thảo nguyên cây gai” có một không hai tại Việt Nam.
Kinh tế xanh bền vững từ di sản
Ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở KH-ĐT Ninh Thuận, cho biết khi hướng tới việc UNESCO ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới, tỉnh cũng đã có chủ trương phát triển du lịch đẳng cấp cao, du lịch xanh và những mô hình phát triển đều gắn với vườn quốc gia. “Trong 10 năm qua Ninh Thuận cũng kêu gọi các dự án du lịch bảo tồn được thiên nhiên. Hiện tại dù chưa ban hành tiêu chí cụ thể nhưng trong quá trình xúc tiến chúng tôi luôn ưu tiên để dự án tạo môi trường du lịch bền vững. Tới đây, sau quy hoạch tỉnh thì sẽ có bộ tiêu chí dự án xanh riêng ở Ninh Thuận”, ông Hoàng nói.
Tác phẩm Huyền thoại Hang Rái, tác giả Đào Duy Tân, giải nhất cuộc thi ảnh Ninh Thuận miền di sản |
BTC cung cấp |
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ninh Thuận, cho biết Ninh Thuận cũng là vùng còn nhiều di sản nghệ thuật Chăm, nghi lễ tín ngưỡng trong đó có lễ hội Ka tê. Sở dự kiến khảo sát kiểm kê tư liệu di sản văn hóa Chăm, số hóa để phục vụ bảo tồn phát triển thời gian tới. Sau sự kiện đón nhận danh hiệu UNESCO cho Núi Chúa, di tích quốc gia vịnh Vĩnh Hy, Sở cũng có sự kiện Tuần văn hóa du lịch Ninh Thuận và khai thác văn hóa Raglai để phát triển du lịch cộng đồng. Một trong số những sự kiện văn hóa tới đây là triển lãm ảnh Ninh Thuận miền di sản, do tỉnh và Mekong One phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Triển lãm trưng bày các tác phẩm chụp văn hóa tộc người cũng như di sản của Ninh Thuận.
Ông Trần Văn Tiếp, Giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa, cho biết thường việc khai thác vườn là theo mùa, cao điểm nhất vào mùa hè. Sau đó, đến tháng 9 mùa gió bấc về việc khai thác cũng giảm mạnh. Hiện tại đơn vị có quy định về việc phân khu phát triển du lịch cụ thể, khu hạn chế người cụ thể để vừa phục vụ được khách, vừa đảm bảo sự phục hồi của rừng. “Vì khai thác theo mùa nên trong năm có thời gian dài khách không đến. Trong tương lai, ở Núi Chúa nếu khách quá ngưỡng sinh thái thì chúng tôi sẽ có biện pháp. Hiện tại vườn vẫn đang thời kỳ thu hút thêm, sau đó mới tính đến hạn chế”, ông Tiếp nói.
Về tương lai, GS-TS Trí cho rằng: “Mỗi một khu sinh quyển là một mô hình cho phát triển bền vững. UNESCO công nhận không có nghĩa là đưa tiền cho mình và khu Núi Chúa phải trở thành mô hình phát triển bền vững địa phương, kết hợp từ văn hóa đến thiên nhiên và kinh tế”.
Bình luận (0)