Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc thực hiện một số dự án giao thông trên địa bàn TP. Theo đó, ngoài việc đốc thúc công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại một số dự án cụ thể như cầu tạm An Phú Đông (nối Q.Gò Vấp và Q.12), dự án nâng cấp đường Nguyễn Ảnh Thủ nối dài, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp)... Sở kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban Giao thông và chủ đầu tư các công trình giao thông khác trên địa bàn TP về công tác GPMB. Cụ thể, trong quá trình đăng ký kế hoạch vốn cho công tác bồi thường GPMB, khởi công xây dựng công trình phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện GPMB của lãnh đạo UBND quận, huyện.
Theo thống kê của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, trong 75 dự án Ban đang quản lý thì có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án. Nếu tính tổng số lượng tất cả các dự án hiện nay, con số này phải lên tới hơn 80%.
Thực tế, các dự án hạ tầng chậm tiến độ không chỉ cản trở phát triển của TP mà còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều, kéo theo điệp khúc đội vốn do trượt giá, biến động tỷ giá, tăng chi phí dự phòng... Nhiều dự án phải chờ đến gần 20 năm vẫn chỉ nằm trên giấy.
Điển hình như dự án mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước đã gần 18 năm “án binh bất động”. Cũng vì nằm chờ, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ đồng, gấp hơn 100% so với vốn đầu tư dự kiến thực hiện năm 2002, trong đó, chi phí GPMB đội từ khoảng 2.500 tỉ đồng lên 8.176 tỉ đồng.
Ngay cả dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP, các quận huyện liên tục hứa mốc thời gian bàn giao mặt bằng “sạch” cho chủ đầu tư thì đến nay, đã hơn 1 năm trôi qua, những cam kết vẫn chỉ dừng lại ở cam kết. Dự án tiếp tục phải lùi tiến độ đến tháng 10 và chưa biết có thể về đích đúng hẹn không vì vẫn phụ thuộc vào thời gian các bên giao nhận mặt bằng.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM, cho biết: “Nghịch lý là có những dự án như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám thời gian thi công rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng nhưng chờ công tác đền bù đến 1, 2 năm. Đây là những tồn tại có từ trước và không dễ để tìm ra cách giải quyết. Cần phải nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xem đây là nhiệm vụ chính trị trong công tác sắp tới để đẩy nhanh tiến độ các công trình”.
Giải quyết từ gốc, khơi thông vốn đầu tư công
Ủng hộ việc gắn trách nhiệm cụ thể và chế tài tới lãnh đạo từng quận, huyện, song KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng trước tiên phải giải quyết nút thắt từ gốc. Ông nhận định lâu nay việc đền bù GPMB đối với các dự án giao thông tại TP luôn gặp khó khăn là do pháp lý chưa thật rõ ràng. Quan điểm giữa người dân và nhà nước còn khác nhau. Định giá đất cho người dân chưa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường, khiến người dân luôn cảm thấy mình là người chịu thiệt, trong khi nhà nước chưa có lý giải thỏa đáng.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chỉ rõ: 1 đồng vốn đầu tư công thu hút được 14 đồng đầu tư từ xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ngân sách nhà nước nếu có điều kiện giải ngân sẽ dẫn dắt sự lan tỏa, là mấu chốt để giải tỏa cơn nghẽn kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, kích thích thị trường. Quan trọng hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm các dự án giao thông, đô thị, ngập nước, ô nhiễm môi trường... là tiền đề để TP.HCM phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đảm bảo cuộc sống của người dân.
Bình luận (0)