Tháo 'nút thắt' cho các dự án BT

29/12/2018 10:53 GMT+7

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành đều đồng loạt 'kêu' đang gặp khó với các dự án theo hình thức BT và kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, tỏ ra sốt ruột trước thế kẹt của hàng loạt dự án BT đã thực hiện xong lẫn đang dang dở mà địa phương này gặp phải. “TP đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT để triển khai các công trình trên địa bàn.
Hiện tại, một số dự án đã có khối lượng xây dựng hoàn thành khá lớn, chúng tôi đã chuẩn bị quỹ đất để thanh toán nhưng chưa thực hiện được vì hồi đầu năm Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn các địa phương dừng sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Các dự án đang làm thì nhà đầu tư triển khai xây dựng với tốc độ chậm, điều này làm ảnh hưởng tới sự phát triển của TP”, ông Tùng nói. Chưa hết, vị này cho hay, việc dừng thanh toán nhưng theo hợp đồng thì TP đang bị phạt với mức lãi suất lên tới 7,8%/năm.
Tương tự, ông Bùi Văn Hải, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cũng cho biết tỉnh này có nhiều dự án BT được triển khai, trong đó có 1 dự án đã hoàn thành 4 tháng với tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng nhưng cũng chưa thể giao đất được cho nhà đầu tư khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.
Trong khi đó, dù không nêu tên các dự án cụ thể, song Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và TP.HCM cùng kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong các dự án BOT, BT, mà nhất là sớm có hướng dẫn việc thanh toán tài sản nhà nước cho các nhà đầu tư BT.
Giải đáp kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và trên thực tế có nhiều vụ việc đã chứng minh điều này. Ông Dũng cho hay, để triển khai thực hiện luật Đầu tư công 2017 thì đến nay vẫn còn thiếu 2 nghị định hướng dẫn, thi hành là nghị định về ô tô công và nghị định dùng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT.
“Từ đầu tháng 10.2018, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định và 3 lần tiến hành tiếp thu, giải trình, lấy ý kiến theo yêu cầu của Chính phủ. Đến lúc này, dự thảo cuối cùng đã xong và dự kiến trong đầu tháng 1.2019 Thủ tướng sẽ ký ban hành nghị định lẫn nghị quyết của Chính phủ về nội dung này”, ông Dũng thông tin.
Kết luận vấn đề này, Thủ tướng khẳng định sẽ sớm ban hành nghị định và nghị quyết, song là để định hướng các địa phương làm cơ sở triển khai, để một trong những hình thức hợp tác công tư không đi vào bế tắc chứ không có nghĩa là để công nhận sai trái, thất thoát trong các dự án BT trước nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.