Nhất là ở thời điểm hiện tại, khi việc thực hiện đăng kiểm xe trở thành nỗi ám ảnh với các tài xế do nhu cầu vượt quá năng lực ở các đô thị lớn nhất cả nước.
Theo tính toán thì năng lực đăng kiểm tại TP.HCM và Hà Nội thời gian tới có thời điểm sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 32% nhu cầu. Thế nên dù đã qua giai đoạn cao điểm nhất trước Tết Nguyên đán vừa rồi, đi đăng kiểm xe lúc này vẫn hết sức vất vả, tốn kém, mất thời gian, công sức. Quan trọng hơn, xét về mặt kỹ thuật thì đại đa số ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô đều cho rằng để một chiếc xe xuất xưởng phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, điều kiện về chất lượng, an toàn, khí thải, môi trường... nên "bắt" xe mới phải đi đăng kiểm là thừa, gây tốn kém không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Rất nhiều quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển trên thế giới cũng quy định thông thoáng hơn chúng ta. Đặt trong bối cảnh đăng kiểm quá tải mấy tháng nay, quy định này thậm chí gây bức xúc cho không ít người. Thế nên đề xuất nói trên của Cục Đăng kiểm có thể nói là rất "hợp lòng dân".
Đáng nói, quy định được tháo nhưng "quy trình" lại vẫn chưa thực sự giảm tải cho tình trạng căng thẳng hiện nay. Cụ thể theo dự thảo, dù được miễn đăng kiểm với ô tô mới 1 năm tính từ khi xuất xưởng thông qua, chủ xe phải đến trung tâm đăng kiểm để lập hồ sơ và dán tem. Mà để lập hồ sơ và dán tem được, quy trình cũng khá phiền phức. Cụ thể, chủ phương tiện phải đưa xe đến đơn vị đăng kiểm. Đơn vị đăng kiểm căn cứ số khung, số máy, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của xe để tra cứu dữ liệu thông số kỹ thuật của phương tiện từ cơ sở dữ liệu trực tiếp. Sau đó, đơn vị đăng kiểm tải dữ liệu về và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu kiểm định; nhập thông tin hành chính, chụp ảnh thực tế phương tiện, chỉ kiểm tra nhận dạng phương tiện và thực hiện lập Hồ sơ phương tiện cho xe, in giấy chứng nhận kiểm định (có mã QR Code), tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ. Chủ phương tiện nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận và phí sử dụng đường bộ được quy định theo đầu phương tiện. Đơn vị đăng kiểm dán tem kiểm định, tem thu phí sử dụng đường bộ lên xe và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho chủ xe hoặc cấp giấy hẹn cấp giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện mới chỉ được cấp giấy hẹn cấp đăng ký xe.
Nói tóm lại thì chủ xe vẫn phải mang xe tới trung tâm đăng kiểm nên mục tiêu giảm tải cho tình trạng căng thẳng hiện nay không mấy hiệu quả. Vì vậy, nếu nghiên cứu, phối hợp để giảm bớt hoặc chia sẻ "quy trình" này ra thì sẽ giảm áp lực cho các trung tâm đăng kiểm và cả chủ xe. Không chỉ là trong việc đăng kiểm xe ô tô mà còn có thời gian để tái cơ cấu các trung tâm cũng như đào tạo nguồn nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng hiện nay một cách bài bản, chuyên nghiệp mà không bị áp lực bởi nhu cầu thúc ép phía sau.
Hy vọng là khi phương án đề xuất dự kiến được thông qua vào 1.7 tới, Cục Đăng kiểm cũng tính lại luôn cả cái "quy trình" để việc đăng kiểm không chỉ khoa học, tiết kiệm mà sẽ thực sự thông thoáng, tiện lợi.
Bình luận (0)