Tháo rào cản PPP để đón vốn cho giao thông

22/01/2022 08:15 GMT+7

Mỗi năm, TP.HCM nêu kế hoạch làm tới hàng trăm dự án hạ tầng với số vốn vài tỉ USD nhưng cứ qua mỗi kỳ tổng kết, danh sách dự án trọng điểm tồn động lại càng dài.

Tại một hội thảo về giao thông mới đây, TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Tôi đi công tác miền Bắc thường xuyên, chỉ mơ phía nam - vùng động lực kinh tế lớn nhất cả nước - được như hạ tầng giao thông ngoài đó. Quy hoạch đến 2025 sẽ hoàn thành hơn 500 km đường cao tốc mà đến thời điểm này mới được hơn 90 km. Hà Nội đã đi tới Vành đai 5 rồi mà đường Vành đai 2 của TP.HCM chỉ có 64 km mãi chưa khép kín; Vành đai 3, 4 thì dở dang. Không thể chấp nhận một TP như TP.HCM mà không có đường vành đai nào kết nối được, toàn đường vành khuyên như thế này”. Chia sẻ này đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người.

Đường Vành đai 2 của TP.HCM còn 14 km chưa khép kín

Ngọc Dương

Mỗi năm, TP.HCM nêu kế hoạch làm tới hàng trăm dự án hạ tầng với số vốn vài tỉ USD nhưng cứ qua mỗi kỳ tổng kết, danh sách dự án trọng điểm tồn động lại càng dài. Theo ông Lịch, tất cả các dự án kết nối trọng điểm như mạng lưới đường vành đai, cao tốc TP.HCM - Biên Hòa, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... đều đã có trong quy hoạch từ nhiều năm trước. Tầm nhìn đã có, nhu cầu thấy rõ nhưng mãi vẫn không thể thực thi do TP.HCM lực bất tòng tâm.

Cụ thể, các dự án giao thông vốn đầu tư lớn nhưng rất khó xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư tư nhân do rào cản luật Đầu tư đối tác công tư (PPP). Nguyên tắc là trong mọi trường hợp, nhà nước chỉ đóng góp không quá 50% tổng vốn đầu tư của dự án.

Thực tế, có những công trình như đường Vành đai 3 của TP.HCM tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 84.684 tỉ đồng. Trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT) theo kết quả nghiên cứu của đơn vị nghiên cứu, tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư khoảng 15.411 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 18% so với tổng mức đầu tư của dự án. Thời gian hoàn vốn kéo dài tới 29 năm. Trong khi đó, thời gian thu hồi vốn trên 20 năm là hết vòng đời tài chính, không nhà đầu tư nào dám làm.

Quy định tỷ lệ vốn góp nhà nước không quá 50% cũng là nguyên nhân khiến phương án đầu tư đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh mà TP.HCM vừa chính thức khởi động, được đánh giá là không khả thi.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc CII (đơn vị được giao nghiên cứu lập đề xuất dự án), cho biết đây là dự án lớn, có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng. CII xây dựng 3 phương án đầu tư, trong đó phương án 2 là thực hiện theo phương thức đối tác công tư PPP. Theo bà Trâm, đơn vị tư vấn dự báo với mức giá thu phí khoảng 35.000 đồng (theo Thông tư quy định của Sở Tài chính), nhân với số lượng phương tiện thì trong 26 năm, nhà đầu tư sẽ chỉ cân đối được khoảng 5.500 tỉ đồng, chưa tới 20% tổng mức đầu tư của dự án. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ phải bù 80%. Đây là phương án không khả thi bởi theo luật PPP hiện nay, tỷ lệ vốn góp của nhà nước không quá 50%.

“Vì thế, CII đang tiếp tục nghiên cứu phương án 3 - Nâng tỷ trọng vốn góp của doanh nghiệp lên 50% hoặc toàn bộ chi phí xây lắp bằng nhiều cách thức như xem xét thu phí, tìm nguồn vốn lãi suất thấp, khai thác quỹ đất trên tuyến..., nhưng cũng không dễ dàng. Đơn cử, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu khai thác quỹ đất bằng cách xây dựng cao ốc xuyên suốt tuyến đường (đường đi xuyên qua các cao ốc). Đây là mô hình đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới nhằm tiết kiệm quỹ đất, tăng khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư tạo điểm nhấn đô thị. Vấn đề là hiện VN chưa có hành lang pháp lý cho mô hình này. Nói chung phương án đầu tư của dự án vẫn còn nhiều cân nhắc”, Phó tổng giám đốc CII thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.