Lam gắn bó với tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi, gắn bó với hai tiếng “xứ Nghệ” thân thương. Dòng Lam đã chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất và con người quê tôi.
Từ nhà tôi, ngược dòng sông Lam lên độ non cây số có một công trình thủy lợi nổi tiếng mang dấu ấn sâu đậm của hoàng thân Lào Xu-pha-nu-vông (Souphanouvong), đó là đập tràn Bara Đô Lương. Bara Đô Lương cùng với sông Đào nằm trong cụm công trình thủy lợi Bắc Nghệ An được hoàn thành năm 1936 do hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm kỹ sư trưởng. Công trình này có nhiệm vụ ngăn dòng Lam, đưa nước vào sông Đào để dẫn về cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu ruộng vườn cho vùng Diễn - Yên - Quỳnh rộng lớn. Có lần tôi cắc cớ hỏi cha, vì sao hoàng thân ở bên Lào lại sang đây làm công trình thủy lợi? Cha tôi ôn tồn giảng giải, dù là hoàng thân quốc thích nhưng ông ấy đã đi du học, tốt nghiệp đại học quốc gia cầu đường Paris và trở thành kỹ sư cầu đường đầu tiên ở Đông Dương. Ông đã gặp Bác Hồ, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và đi theo con đường cách mạng.
Thuở nhỏ, những ngày hè nắng cháy, tôi thích nhất là lên đập Bara chơi. Từng cuộn nước tràn qua đập chảy xuống dòng Lam tung bọt trắng xóa. Lũ cá mương, cá chày đua nhau tung mình trong làn nước đùa vui. Và không ngờ, chúng đã rơi vào những chiếc nong tre lớn được bà con vạn chài làng Đặng treo sẵn dưới cửa đập. Những mẻ cá tươi rói, phía trên được che bằng mớ lá tre hay lá bầu cứ thế được các bà, các mẹ tất tả mang sang phố bán để đổi thành gạo, dầu hỏa và các thứ nhu yếu phẩm khác phục vụ cho cuộc sống sông nước quanh năm. Chúng tôi đua nhau lội xuống sông, cách phía dưới chân đập một đoạn. Mùa hè nước cạn đến thắt lưng soi rõ những cơ man nào là sỏi. Bọn trẻ chúng tôi tha hồ ngụp lặn, chọn những viên sỏi có hình dạng mỏng như chiếc đĩa rồi thi nhau lia trên mặt nước. Tiếng cười giòn tan lẫn trong tiếng ầm ào từ đập Bara vọng lại đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi...
|
Bên kia sông là những bãi dâu xanh ngút ngát của Đặng Sơn, một xã làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi từ bao đời nay. Nhờ nguồn phù sa của dòng sông Lam bồi đắp, vùng đất bãi Đặng Sơn luôn màu mỡ, tạo nên sức sống mãnh liệt cho cây dâu. Sản phẩm tơ tằm của Đặng Sơn đã trở thành thương hiệu và được mang đi tiêu thụ khắp các vùng miền của đất nước.
Khi đã trở thành cậu thanh niên choai, tôi bắt đầu ra sông gánh nước về nhà, đổ đầy hai chiếc bể đúc bằng bê tông để gia đình sinh hoạt. Nước sông Lam quê tôi ngọt mát vô cùng. Những đêm trăng sáng, quẩy đôi thùng gánh nước trên vai, vừa bước trên những bậc đá xanh có từ thời Pháp thuộc của bến đò Lường để xuống sông múc nước, tôi đã nghe những thanh âm thao thiết phía bên bãi dâu vọng sang. Đó là tiếng các o, các chú thanh niên của vạn chài làng Đặng đang trổ tài hát ví, giặm, hát phường vải và đối đáp giao duyên. Những chiếc nốc được buộc vào chiếc sào cắm xuống sông. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu xuống mặt nước lăn tăn sóng rồi phản chiếu lên tạo thành không gian man mác, lung linh. Từng câu hát đối của hai bên nam nữ cứ thế ngân lên vang vọng mặt sông:
“Hò.... ơ... ơ... Dừng xa, khoan kéo, ơ phường/ Hình như có khách viễn phương tới nhà!”, “Đi qua, nghe tiếng em reo/ Nghe xa em kéo, muốn đeo em về!”, “Hò.... ơ... ơ... Đến đây vàng cũng như son/ Ai ai thời cũng như con một nhà..!”...
Những câu ví, câu hò cứ thế nối tiếp nhau cho đến tận đêm khuya. Từ những cuộc hát nặng duyên tình như vậy, từng đôi trai gái đã đến với nhau, nên vợ nên chồng và lại tiếp tục cuộc sống trên sóng nước Lam giang.
Trải bao năm tháng tất bật với cuộc sống xa nhà, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã hơn hai mươi năm có lẻ. Những dịp tôi trở về với quê, với sông cũng vì thế mà thưa dần. Hôm nay, đứng ngắm dòng Lam mà lòng bồi hồi xúc động. Khung cảnh khúc sông quê giờ đây khác xưa nhiều. Bên bồi bên lở đã đổi chỗ cho nhau bởi nạn hút cát sỏi hoành hành. Bãi dâu xanh mướt ngày ấy giờ cũng vì thế mà gần như mất đi. Vạn chài xưa nghe nói chính quyền địa phương đã động viên, đưa họ lên bờ an cư. Còn con đập Bara nổi tiếng vừa bị sự cố vỡ hai khoang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sản xuất nông nghiệp. Rất nhiều phương tiện máy móc và con người đang tập trung khắc phục, sửa chữa để công trình sớm trở lại gánh vác sứ mệnh của mình như đã thủy chung suốt hơn 80 năm qua.
Có nhiều điều chất chứa mà chưa thể nói ra. Và đêm nay, tôi sẽ thao thức với dòng sông...
|
Bình luận (0)