Thật ra, Po Nagar là tên ngọn tháp lớn nhất (cao khoảng 23 m), nhưng thường dùng để gọi chung cho cụm công trình.
Po Ana Gar (người Việt thường gọi là Thiên Y thánh mẫu) là nữ thần tạo dựng trái đất, sản sinh lúa gạo, cây cối… Bà có 38 con gái, trong đó ba người được người Chăm thờ phụng như vị thần bảo vệ đất đai: Po Nagar Dara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk (Phan Thiết).
Gần 1.400 năm trước, ở đây có ngôi tháp gỗ, nhưng sau đó bị phá hủy. Đền Po Nagar được xây dựng lại bằng gạch vào khoảng thế kỷ 11 đến thế kỷ 13 và tồn tại đến ngày nay (tuy đã bị hủy hoại nhiều).
Công trình chia làm ba tầng. Ngang mặt đất là khu tháp cổng (nay không còn) có bậc thang dẫn lên tầng giữa (khu tiền đình) có 4 hàng cột lớn. Trên đỉnh mỗi cột có lỗ mộng, theo các nhà khoa học có thể trước đây là tòa nhà lớn, có mái, là nơi người dân nghỉ ngơi, sắm sửa lễ vật. Tầng trên cùng là khu đền tháp (có 6 tháp, nhưng hiện tại chỉ còn 4).
Trục thần đạo từ cổng qua các bậc tam cấp dẫn lên tháp chính thờ Mẹ Thiên Y thánh mẫu. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú. Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva (thần bảo hộ các triều vua Chăm Pa) và các linh vật như dê, voi… Bên trong là tượng nữ thần Po Ana Gar ngồi trên đài sen, sau lưng là phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là kiệt tác điêu khắc Chăm Pa.
Bình luận (0)