'Thập cẩm' trang phục dự thi nam vương

19/11/2019 06:30 GMT+7

Nhiều người yêu mến văn hóa cổ phản đối trang phục dân tộc của Việt Nam tại cuộc thi Mister Universe Tourism 2019 vì cho rằng làm lệch lạc văn hóa Việt.

Mũ chán đằng mũ, áo hỏng đằng áo

Không phải trang phục cứ mang hình rồng, phượng, mây, hình trống đồng... hoặc may bằng chất liệu, phụ kiện của Việt Nam thì mới mang bản sắc dân tộc

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình

Năm nay, thí sinh Việt Nam dự thi Mister Universe Tourism 2019 (tại Philippines) là Nguyễn Luân sẽ trình diễn thiết kế nằm trong bộ sưu tập Rồng Đông Phương của Minh Hùng.
Đây là bộ sưu tập từng được giới thiệu tại Mỹ vào tháng 10.2019 và nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Điểm nhấn của thiết kế nằm ở họa tiết thêu, tái hiện văn hóa đất nước. Để thực hiện bộ trang phục này, nhà thiết kế Minh Hùng cùng các nghệ nhân lành nghề với mong muốn tạo nên một chiếc áo dài mang đậm tinh túy, tập trung đầy đủ tâm hồn người Việt. Ý tưởng, hoa văn cung đình được lồng ghép, khắc nổi trên tà áo đều mang đặc trưng cho lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu, nghệ nhân Vũ Kim Lộc đã không đồng tình với chiếc mũ lai khăn quấn đầu mà Nguyễn Luân sẽ trình diễn. “Tôi hoàn toàn bất ngờ với lối trang trí này. Không thể tôn trọng người dự thi nếu họ sử dụng chiếc mũ này vì không hiểu văn hóa”, người đã phục dựng nhiều mũ của vua quan triều Nguyễn cho biết.
Ông Lộc phân tích mũ được thiết kế nửa mũ nửa khăn đóng. Màu đỏ của mũ không phù hợp cho phái nam. Trang sức gắn trên mũ thập cẩm, rối rắm. “Mũ ngày xưa chủ yếu để phân biệt đẳng cấp tôn ti trật tự trong xã hội. Mũ vua trang trí biểu tượng rồng 7 móng, có ý là thiên tử. Mũ của nữ ngày xưa, trang trí chủ yếu là chim phượng và hoa, cũng là để phân biệt đẳng cấp”, ông Lộc nói. Trong khi đó, thiết kế nửa khăn nửa mũ sẽ đi Mister Universe Tourism 2019, lại có cùng lúc cả hình rồng và phượng.
Phần còn lại của trang phục còn bị chê thậm tệ hơn. Ông Minh Khôi, người vận hành dự án Hoa văn Đại Việt, nhận xét: trông xa, áo cũng tựa như áo dài cách tân, nhưng nhìn kỹ, cổ áo là dạng cổ bẻ theo phong cách thời kỳ cuối nhà Mãn Thanh. Chiếc áo choàng quá dài và có tạo hình giống với nữ phục hơn là nam phục. “Trang phục này đưa cả rồng và phượng cùng phối nên không rõ ràng giới tính người mặc. Thông thường biểu tượng rồng dùng cho nam và phượng sẽ dùng cho nữ. Trường hợp có sử dụng cả thì thường là sử dụng chủ đề tứ linh là sự kết hợp của 4 linh vật long ly quy phượng”, ông Khôi cho biết.
Cũng theo ông Khôi: “Còn có hoa văn hoa hồng lối Tây cũng đưa vào phần hoa văn chìm ở áo. Trên thân mũ thấy xuất hiện cả hoa văn dạng chữ thập thường thấy trong vương miện ở Tây phương và có cả dạng vòng nguyệt quế phong cách Hy Lạp, La Mã cổ đại ở vành mũ nữa”.

Không hiểu văn hóa, cẩu thả

PGS-TS Bùi Văn Liêm, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, không hài lòng với việc sử dụng các hoa văn trống đồng trên ngực áo của trang phục. “Mặt trời không có u diện đánh (một khối u nổi lên để đánh trống - PV). Xen kẽ các cánh sao không phải là họa tiết lông công hay đường hồi văn. Các trang trí khác không có chim lạc, biểu tượng của cư dân nông nghiệp Đông Sơn, các trang trí nhà sàn... không đạt. Đặc biệt tránh họa tiết người hóa trang trên trống đồng giống chữ viết biến thể mà không phải chữ của ta”, ông Liêm đánh giá.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, cho rằng trang phục này bộc lộ trình độ văn hóa, lịch sử, tư duy thẩm mỹ nông cạn, hời hợt. “Không phải trang phục cứ mang hình rồng, phượng, mây, hình trống đồng... hoặc may bằng chất liệu, phụ kiện của Việt Nam thì mới mang bản sắc dân tộc. Nhiều nhà thiết kế Việt thường nhầm lẫn như thế, nên đã nhồi nhét họa tiết, hoa văn vào như chúng ta thấy trên bộ trang phục của Nguyễn Luân”.
Cũng theo ông Bình, cho dù chỉ là một cuộc thi nam vương, việc sử dụng trang phục dân tộc như thế này sẽ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.