Xin chào bác sĩ. Cách đây vài tháng, con trai tôi 9 tuổi bị sốt và đau nhiều khớp, đến Bệnh viện Nhi Đồng được chẩn đoán là bệnh thấp khớp cấp. Hiện tại con tôi đang được điều trị và khá ổn. Vậy xin bác sĩ cho biết bệnh thấp khớp cấp là gì? Nguyên nhân bệnh này và những biểu hiện của nó ra sao? Xin cám ơn. ([email protected])
BS.CK1 Huỳnh Duy Nhất, Chuyên khoa Nội xương khớp Y - Nha khoa Vạn Phước.
Xin chào anh (chị), với câu hỏi trên thì xin trả lời anh (chị) như sau:
1.Thấp khớp cấp hay còn gọi là thấp tim hoặc sốt thấp khớp cấp tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm của tổ chức liên kết, đây là bệnh tự miễn, có tính hệ thống và biểu hiện nhiều cơ quan. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 5 - 15 tuổi, tỷ lệ nam - nữ như nhau. Người lớn gặp với tỷ lệ thấp hơn.
2. Nguyên nhân: Bệnh xảy ra sau viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn beta nhóm A khoảng 2 - 3 tuần.
3. Triệu chứng lâm sàng:
- Giai đoạn nhiễm liên cầu thường là các triệu chứng viêm họng, hoặc viêm đường hô hấp trên, có thể có hạch góc hàm kèm theo hội chứng nhiễm trùng: sốt 390C, mệt mỏi, xanh xao, ra mồ hôi, đánh trống ngực.
- Giai đoạn toàn phát:
+ Viêm tim: là một biểu hiện bệnh lý nặng của thấp khớp cấp và khá đặc hiệu, các biểu hiện của viêm tim có thể là viêm màng trong tim, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim. Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp là: tăng nhịp tim, tiếng thổi tâm thu, tiếng thổi tâm trương, tiếng rung tâm trương, rối loạn nhịp, tiếng cọ màng tim, suy tim… Viêm tim có thể biểu hiện từ thể không có triệu chứng gì đến các dấu hiệu suy tim cấp nặng hoặc tử vong.
+ Viêm khớp là một biểu hiện hay gặp nhất trong thấp khớp cấp, biểu hiện của viêm khớp là sưng, nóng, đỏ, đau khớp, xuất hiện ở các khớp lớn (gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu, vai...), hiếm gặp khớp nhỏ, có thể đối xứng hoặc không, tình trạng viêm đáp ứng tốt với corticoid và thuốc kháng viêm non-steroids.
+ Múa giật Sydenham: chỉ biểu hiện ở trẻ em, đây là biểu hiện của tổn thương ngoại tháp và khá đặc hiệu cho thấp khớp cấp. Các biểu hiện là những động tác không tự chủ ở các cơ mặt, chi; giảm trương lực cơ, thường rõ khi bệnh nhân bị xúc động hoặc thức tỉnh và mất đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi.
+ Hạt Meynet: đó là những nốt có đường kính khoảng 5-20 mm, nổi trên nền xương nông, không đau, không di động, không dính vào da, không để lại dấu, xuất hiện trong đợt viêm tiến triển và mất nhanh sau vài ngày.
+ Ban vòng: là các mảng màu hồng, vàng nhạt, có gờ xung quanh, xuất hiện ở thân, gốc chi, không bao giờ ở mặt.
+ Các biểu hiện hiếm gặp khác: biểu hiện ở phổi, màng phổi, ở thận, có thể đau bụng, gan lách hạch có thể to...
Chuyên mục do Y - Nha khoa Vạn Phước (số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ.
Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: [email protected], [email protected] hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.
Bình luận (0)