Thấu hiểu sự hy sinh
Đoàn đại biểu tham gia Hành trình Sinh viên với khát vọng non sông gồm 70 sinh viên tiêu biểu, đã đến Điện Biên trước lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa.
Nơi đầu tiên đoàn dừng chân là Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong không gian này, nhiều sinh viên đã cảm nhận được rằng để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, từng tấc đất nơi đây đã thấm đẫm máu thịt của cha ông.
"Tôi rất bồi hồi khi đứng nơi đây. Tôi cảm nhận được mình đang đứng trên từng tấc máu, tấc thịt của cha ông ta. Nước mắt tôi rưng rưng với lòng thành kính biết ơn", Phạm Thùy Linh, nữ ca sĩ 23 tuổi của Học viện Âm nhạc quốc gia VN, chia sẻ.
Sau khi thắp hương tại đền thờ, đoàn đại biểu có hành trình vượt núi, băng rừng đến với Mường Nhé, huyện xa nhất của tỉnh Điện Biên, nằm ở cực tây Tổ quốc. Đi qua những con đèo quanh co, với nhiều khúc cua tay áo trong đêm, các bạn trẻ càng cảm nhận rõ sự khó khăn của miền đất này. Rạng sáng cả đoàn mới đến nơi, nhưng chỉ vài tiếng sau, gạt đi sự mệt mỏi, các bạn trẻ đã đến Trường PTDT bán trú tiểu học Nậm Vì (xã Nậm Vì, H.Mường Nhé) để tổ chức các hoạt động vui chơi và nấu bữa ăn ngon cho các em học sinh ở điểm trường.
Hoạt động này đã để lại cho các thành viên trong đoàn ấn tượng sâu sắc, vì đến đây các bạn được chứng kiến khó khăn, thiệt thòi của các em học sinh vùng cao. Nhiều bạn cho biết có đến đây mới thấy mình rất may mắn khi có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc.
Tham gia đoàn hành trình, Á hậu Hoàn vũ năm 2022 Huỳnh Phạm Thủy Tiên xúc động chia sẻ: "Tôi thấy mình cần phải có nhiều hoạt động hơn để có thể giúp cho trẻ em vùng cao được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe".
Tự hào về Tổ quốc
Cũng tại H.Mường Nhé, đoàn đại biểu đã có trải nghiệm vô cùng ấn tượng, đó là hành trình tới thăm cột mốc A Pa Chải ở ngã ba biên giới VN - Lào - Trung Quốc (thuộc xã Sín Thầu). Mặc dù phải trải qua cung đường rất gian nan mới leo lên được cột mốc có độ cao hơn 1.000 m, nhưng ai cũng hào hứng. Tại đây các bạn trẻ đã được tham gia lễ chào cờ và nghe các chiến sĩ biên phòng kể về quá trình tuần tra bảo vệ biên giới.
Bày tỏ niềm xúc động khi được chào cờ, hát Quốc ca tại cột mốc ngã ba biên giới, bạn Trương Văn Hoài Khanh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết cảm thấy vô cùng may mắn khi được tham gia hành trình ý nghĩa này. "Chào cờ, hát Quốc ca ở một địa điểm đặc biệt của Tổ quốc cảm giác thật thiêng liêng, xúc động. Qua các hoạt động trên, bản thân tôi và các bạn trẻ được hiểu hơn về chủ quyền biên giới, tinh thần vượt khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ bộ đội biên phòng trong quá trình công tác. Tôi và các bạn trẻ sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện để sau hành trình mỗi người có được nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", Hoài Khanh nói.
Ca sĩ Phạm Thùy Linh chia sẻ: "Hát Quốc ca trên cột mốc, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Đôi mắt hướng về nơi biên cương của Tổ quốc. Tôi sẽ gói thật chặt những kỷ niệm này, vì tôi biết hành trình của tuổi thanh xuân không bao giờ tắt. Đặt bàn tay trước ngực, tôi thấy nhịp trống hào hùng, tôi tự hào với Tổ quốc mình. Tôi yêu Việt Nam!".
Cũng tại điểm cực tây Tổ quốc, các đại biểu đã có buổi giao lưu với cán bộ chiến sĩ ở Đồn biên phòng A Pa Chải. Trong chương trình, các đại biểu được xem biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại và giao lưu văn hóa với đồng bào dân tộc. Các bạn sinh viên và chiến sĩ biên phòng đã cất cao tiếng hát trong đêm giao lưu lửa trại, với những lời ca đầy cảm xúc trong bài hát Những trái tim Việt Nam: "Ta chẳng ngại dâng hiến, ta chẳng ngại hy sinh Tổ quốc ơi!".
Cảm nhận giá trị của hòa bình
Xúc động dâng trào khi đoàn hành trình hội quân và dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, nơi an nghỉ của 644 liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sinh viên Nguyễn Ngọc Huyền Trang (Trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh) đã không cầm được nước mắt khi thắp hương trên những ngôi mộ chưa xác định được danh tính. Cô chia sẻ ông ngoại mình từng tham gia chiến tranh, sống sót trở về nhưng vì bệnh tật đã mất ngay năm cô được sinh ra.
"Đây là lần đầu tiên mình đến Điện Biên. Khi biết sẽ tham gia hành trình này, mình chỉ cảm thấy tự hào vì được có mặt trong đoàn, nhưng khi đến đây mình mới cảm nhận được nhiều điều, mới thấm thía giá trị của hòa bình mà mình đang được hưởng", Huyền Trang rưng rưng nói.
Đặc biệt, trong hành trình, các bạn trẻ đã được tham gia buổi giao lưu với 3 nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. "Nghe lời kể của các bác, dù rất khó khăn, gian khổ xen lẫn cả đau thương nhưng vẫn một ý chí quyết tâm chiến thắng quân thù, mình thấy cần phải cố gắng học tập hơn nữa, cố gắng để góp phần phát triển tương lai của đất nước, để không uổng phí công lao của ông cha đã ngã xuống giành độc lập, tự do cho dân tộc", Huyền Trang xúc động nói.
Bình luận (0)