Tháp Mười, mãi một miền thương

24/07/2022 23:33 GMT+7

“Nước mắm ngon dầm con cá sặc/ Ăn gạo Lấp Vò giết giặc lập công”. Thấy ngoại ngồi nhìn ra ngõ hát bâng quơ, má nói: “Ngoại bây giờ già rồi nên hay kể tích cũ chuyện xưa”.

Tôi bật cười. Má nói ngoại già hay kể nhưng chính má là người kể nhiều hơn, mà toàn những chuyện trôi qua hơn nửa thế kỷ, mình đã thuộc lòng từ lúc bé tí ti.

Người và sen Đồng Tháp Mười

Lâm Minh Nhựt

Như chuyện ông ngoại trước khi đi vào Khu 9, tính đưa cả gia đình sang Miên đang yên bình lánh nạn. Không ngờ bên đó đảo chính. Vậy là ngoại kẹt lại ở Tháp Mười, được bà con ở đây giúp dựng căn nhà sống tạm. Rồi ông ngoại đi. Bà ngoại một mình vừa lo cho bốn đứa con, vừa làm giao liên cho bộ đội. Má chưa tới mười tuổi bất đắc dĩ phải trở thành người lớn, thay ngoại chăm em.

Chuyện cái năm đầu tiên má biết mùa nước nổi. Nhìn ngôi nhà lọt thỏm giữa biển nước mênh mông, má lo cậu rơi xuống nước, đành lấy dây buộc chân cậu với cột nhà. Rồi lại ngồi nhìn mà lo mấy chị em mình chết đói. Không ngờ có ông Tư, chú Sáu nào đó ở xứ này cứ dăm ba hôm chèo xuồng ghé lại đưa cho má bó rau con cá, dù ngoại từ miền Trung mới vào cũng chưa gọi là lâu.

Hay lúc cậu Năm ốm thập tử nhất sinh, may có ông thầy thuốc ở Hồng Ngự thương tình cho má và cậu ăn ở lại nhà, tận tình cứu chữa cả mấy tháng trời cậu mới qua. Vậy mà không hề nhận lấy của ngoại một xu.

Nhưng có một chuyện mà mỗi khi nhắc, cả má và ngoại đều rơm rớm nước mắt không thôi. Cậu Ba đòi mặc áo mới, ngoại kêu để dành chờ Tết. Vậy là cậu ra đi khi chưa được mặc áo mới bao giờ. Hôm đó cũng mùa nước nổi. Chôn cất cậu xong rồi, ngoại phải nhìn theo bóng cây cao mà nhớ, sợ sau này nước rút khó tìm ra.

Má nói: “Dù chỉ sống vài năm ngắn ngủi nhưng ngoại bây mang ơn bà con Tháp Mười nhiều lắm nên bây giờ chỉ có nhắm mắt mới quên”.

Hồi nhỏ, tôi cứ nghe hoài nghe mãi thành thử “Tháp Mười” in vào trong tâm trí, dù không biết hình dáng nó ra sao, ở tận đẩu đâu.

***

Lên đại học, tôi may mắn ở trọ cùng đứa bạn quê gốc Long An. Đem câu chuyện Tháp Mười ngày xưa ra kể, nó cười bảo: “Tui cũng Tháp Mười đây”. Lúc đó, tôi mới ngớ người. Thì ra Đồng Tháp Mười không chỉ mỗi Đồng Tháp mà nằm trên mấy tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và cả ở Long An.

Không biết vì hai chữ “Tháp Mười” hay tính người miền Tây dễ chịu, thiệt tình mà chẳng mấy chốc hai đứa trở thành thân. Nhà nó gần Sài Gòn lại chỉ có hai má con nên hầu như tháng nào má nó cũng lên thăm, không quên đem theo đồ ăn tiếp tế. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến canh bông điên điển, khô cá sặc, mắm cá lóc hay món kho quẹt “lừa” cơm. Tôi lại nịnh nọt: “Hay là mai mốt con về quê, má Hai tìm cho con cô vợ Đồng Tháp Mười nấu ăn ngon y chang như má”. Má Hai cười, nụ cười của người má Tháp Mười hệt như nụ cười của má hay ngoại của tôi, rất thân thương.

Năm 2012, tôi đến Tràm Chim, cũng là lần đầu tiên đặt chân lên vùng Đồng Tháp Mười mình từng nghe má kể. Đi có một mình, nhớ tới đứa em mới quen ít lâu cũng chỉ mới có dịp trò chuyện nhau đôi câu trên Facebook chứ chưa gặp bao giờ, tôi gọi cho em mà cũng không nghĩ ngợi nhiều. Vậy mà em đến đón tôi về nhà ngay trong chiều hôm đó. Em hồ hởi: “Dzề nhà em có gì ăn đó ha anh Hai. Mình chơi mát trời ông địa luôn hen”. Đúng là: “Ra đường gặp vịt cũng lùa/Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”. Người Đồng Tháp Mười sao mà dễ thương đến lạ, chỉ mới gặp lần đầu cứ như đã rất thân.

***

Mấy lần má nói chuyện đưa ngoại đi miền Tây thăm lại nơi trước đây mình từng ở, tôi đều cản: “Hai bà già, người gần chín mươi, người hơn sáu chục mà đi sao được. Đã mấy mươi năm rồi, giờ đâu giống ngày xưa. Thôi đợi khi nào con rảnh sẽ đưa đi”. Má ừ nhẹ tênh. Chắc má cũng thừa hiểu thằng con trai má sẽ quên mà không nhớ để cho cuộc gặp lại Tháp Mười của má và ngoại cứ kéo dài từ năm này sang năm khác.

Hôm bữa, đứa con gái tôi khoe với nội chuyện học hành và cả việc ba nó thưởng cho một chuyến đi chơi xa. Hai bà cháu thầm thì mãi, xong rồi cùng nhìn về phía tôi… im lặng.

Ừ, tôi hiểu. Nhất định lần này tôi sẽ không “quên”, sẽ đưa cả gia đình đặt chân lên cánh đồng Tháp Mười một thuở, cho cái miền thương đã đi qua vài thế hệ kéo dài mãi không thôi…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.