Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh, đã trở thành huyền thoại. Cách đó khoảng 9 km, 23 thanh niên xung phong, trong đó có đến 15 cô gái, cũng ngã xuống trong một trận bom. Nhưng, không nhiều người biết đến nơi này. Đồng nghiệp Hoàng Quốc Tiến ở Báo Nhân Đạo tiết lộ: “Gần Ngã ba Đồng Lộc có miếu thờ 23 thanh niên xung phong (TNXP) tại đồi Con Công. Những chàng trai, cô gái tuổi thanh xuân đã hy sinh trong trận bom tổn thất lớn nhất về sinh mạng TNXP được thờ ở đây. Vậy mà, Ngã ba Đồng Lộc ai cũng biết, còn đồi Con Công như bị lãng quên”.
Tái hiện huyền thoại
Chúng tôi đến đồi Con Công (Trà Sơn, xã Phú Lộc, H.Can Lộc, Hà Tĩnh). Vào hướng xã Phú Lộc, chỉ thấy các biển dẫn đến Ngã ba Đồng Lộc, cuối cùng mới thấy biển chỉ vào đồi Con Công. Miếu thờ 23 TNXP nằm trên đồi giữa vùng Trà Sơn hoang vắng, chiều muộn thêm cô tịch. Đặt bánh, thắp nhang lên bàn thờ, rồi ngước nhìn bảng ghi tên 23 liệt sĩ (LS), tôi lặng người. 23 LS khắc trên tấm bia chung, có đến 15 cô gái mãi mãi ra đi trong hai ngày liền kề của tháng 11.1972.
Tại UBND xã Phú Lộc, Chủ tịch Nguyễn Xuân Chương hồ hởi: “Nhà báo từ TP.HCM ra tìm hiểu chứng tích này, nói thiệt tui mừng lắm. 23 LS TNXP cần nhiều người biết đến hơn. Can Lộc ni đâu chỉ có 10 cô gái Đồng Lộc”.
Qua ông Chương, câu chuyện về 23 LS dần tái hiện. Trong chiến tranh, TNXP Hà Tĩnh hăng hái lên đường tham gia phá bom, đắp đường, cứu người, tiếp phẩm... Đại đội TNXP 555-N55-P18 thành lập ngày 10.7.1965 với nhiệm vụ đảm bảo giao thông từ Chợ Đình đến QL1A. Tiếp theo đảm bảo đoạn từ cầu Già, cầu Nghèn, cầu Cao, cầu Hạ Vàng đến TX.Hồng Lĩnh.
|
Năm 1967, máy bay Mỹ tập trung đánh phá những điểm xung yếu trên các đoạn đường tránh QL1A. Đơn vị 555-N55-P18 được giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông đoạn từ cầu Bạng, cống 19 đến Ngã ba Quán Trại. Ông Chương chia sẻ: “Với khẩu hiệu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, nhiều anh chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
Theo ông Chương, chuyện đáng nhớ nhất của đơn vị chính là “sự kiện 1972”. Đại đội 555-N55-P18 được điều động về đóng tại đồi Con Công đảm bảo giao thông cống 19, ngầm Vực Trống, làm đường 70 và đường 15A. Thời điểm này, địch ngày càng đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt chi viện miền Bắc cho miền Nam. Chúng dùng máy bay B52 ném bom những điểm giao thông xung yếu, đánh phá các đơn vị chủ lực của ta như công binh, giao thông, pháo cao xạ. Những chàng trai, cô gái (hầu hết người Hà Tĩnh), bước vào cuộc chiến khốc liệt bình thản như “ra đồng gặt lúa”. Tuy sẵn sàng hy sinh, nhưng không ai có thể nghĩ rằng 21 đồng đội đồng loạt ngã xuống đồi Con Công trong buổi chiều 13.11.1972 định mệnh. Trước đó, ngày 11.11.1972, hai nữ tiếp phẩm đã hy sinh gần đồi Con Công, đồng đội còn chưa kịp lau khô nước mắt.
|
Đi tìm nhân chứng
Quay lại TP.Hà Tĩnh, tôi gặp bà Lương Thị Tuệ, đại đội trưởng C555-N55-P18 năm xưa. Ở tuổi 75, bà Tuệ vẫn còn rất minh mẫn. Hỏi về sự kiện bi tráng tháng 11.1972, bà lấy tay gạt nước mắt rồi kể. Ngày 11.11 năm đó, hai nữ TNXP đi tiếp phẩm trúng bom hy sinh tại ngầm Nhân Lộc. Nhưng từ 18 giờ ngày 13.11.1972, máy bay B52 trút bom liên tục vào địa điểm đóng quân đồi Con Công. Chúng đánh ba đợt kế nhau, đợt đầu trút bom, đợt hai bắn đạn rốc két, đợt ba thả bom bi nhằm cắt đứt mạch máu giao thông. Đồi Con Công không còn một cây cỏ, con vật nào sống sót. Gần 20 lán ở của quân ta không còn một cái nào. Các kho vật tư, lương thực, thực phẩm đều bị bom đạn tàn phá. Đau đớn hơn, trong trận đánh đó, đơn vị do bà Tuệ chỉ huy hy sinh 21 đồng chí tuổi mười tám, đôi mươi tràn đầy sức sống. Chỉ trong hai ngày, 23 đồng chí hy sinh.
“Trận bom ở đồi Con Công, TNXP Hà Tĩnh hứng chịu tổn thất nhân mạng nhiều nhất. Nhưng nơi ni ít người biết. Đó là thiệt thòi quá lớn cho các đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc”, bà Tuệ trầm ngâm nói.
|
Chia tay đại đội trưởng C555-N55-P18, chúng tôi về xã Cẩm Dương (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nơi sinh sống của bà Đặng Thị Luận, cựu TNXP C555-N55-P18 may mắn sống sót trong ngày tang thương 13.11.1972. Di chứng chiến tranh khiến bà Luận lúc nhớ, lúc quên. Chắp nhặt từng chi tiết, cựu TNXP này thuật lại: “Trận bom năm xưa ám ảnh tui đến bây chừ. Các cô gái mới cười, mới ghẹo nhau, có cô còn sụt sùi khóc thương đồng đội đêm trước thì hôm sau họ cùng vĩnh biệt”.
Cho xem cái chân biến dạng đầy sẹo, bà Luận bồi hồi nhớ: “Tôi bị mảnh bom găm nát thịt, xương ống chân nát bấy, lết không nổi. Đại đội phó Nguyễn Văn Dư cõng tôi ra khỏi hầm rồi chuyển về tuyến sau băng bó. Nhìn các đồng chí hy sinh chồng lên nhau tôi cắn môi, trào nước mắt”. Hôm đó tại nhà bà Luận còn có cựu chiến binh Phan Hồng Tiến thuộc đơn vị khác đi ứng cứu C555-N55-P18 sau trận bom. Ông Tiến kể: “Cảnh tượng sau trận bom quá khủng khiếp. Nhìn những cô gái trẻ măng, xinh đẹp hy sinh, ai cũng ứa nước mắt”.
Giờ đây, ước mơ giản dị của nữ TNXP năm xưa may mắn sống sót Đặng Thị Luận là mong có tiền để đi xe thồ đến thắp nhang cho đồng đội ở đồi Con Công thường xuyên hơn. Ngoài ra, bà ước “sang” hơn một chút: có nguồn kinh phí để những cựu TNXP Hà Tĩnh được một lần đi Quảng Bình du lịch, viếng thăm mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp. (còn tiếp)
Lý do tréo ngoe không được công nhận liệt sĩChiến sĩ Đào Sỹ Thấu sinh năm 1957 tại xã Kỳ Phú, H.Nho Quan, Ninh Bình. Đơn vị chiến đấu thuộc Quân đoàn 3, hy sinh ngày 10.8.1978 tại H.Ninh Hòa, Phú Khánh (cũ). Giấy báo tử do Quân đoàn 3 gửi về gia đình ghi: “Chúng tôi vô cùng đau đớn báo tin đồng chí Đào Sỹ Thấu từ trần ngày 10.8.1978 vì lý do không đề phòng cảnh giác bị địch lợi dụng giết hại. Đồng chí Thấu mất đi là một tổn thất chung cho cách mạng, Tổ quốc và nhân dân mất một người con, đơn vị mất một đồng chí, gia đình mất một người con...”.
Tuy nhiên, chỉ vì lý do “không đề phòng cảnh giác bị địch lợi dụng giết hại” mà từ ngày mất đến nay chiến sĩ Đào Sỹ Thấu không được công nhận LS. “Mộ của anh Thấu vừa tìm được đưa về quê ngày 1.7.2020. Gia đình mong các cơ quan chức năng công nhận LS cho anh Thấu để an ủi phần nào cho hương hồn anh và gia đình chúng tôi” , chị Đào Thị Hải, em gái chiến sĩ Đào Sỹ Thấu, ngậm ngùi nói.
|
Cần kinh phí tôn tạo miếu thờ 23 liệt sĩMiếu thờ 23 LS đồi Con Công khánh thành vào tháng 10. 2012. Công đầu thuộc về đại đội phó C555-N55-P18, Nguyễn Văn Dư, người đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng. Sau đó, các tổ chức, cá nhân khác cũng đóng góp thêm kinh phí. Tuy nhiên, nhiều hạng mục thiết thực cần được bổ sung. Những cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh và người dân xã Phú Lộc mong muốn khu vực miếu thờ được trang bị thêm mộ đá granite, cột đèn chùm, hệ thống điện... với kinh phí khoảng 130 triệu đồng nhưng vẫn chưa tìm được nguồn.
|
Bình luận (0)