|
|
|
Để chuẩn bị kiến tạo nên một dân tộc siêu việt, một quốc gia trung tâm và nhằm trang bị kiến thức nền tảng về binh pháp, khả năng thao lược của một dân tộc dẫn dắt, Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ với tấm lòng Thiện Lành đã tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn sách "Thập Nhị Binh Thư". Đây là một hội tụ những tinh hoa kinh điển trong thuật dụng binh, từng là tôn chỉ của bao mãnh tướng kiêu dũng chốn sa trường, đồng thời là cẩm nang của nhiều yếu nhân chốn quan trường. Sách này đến tận ngày nay vẫn là bửu văn tâm đắc "gối đầu giường" của vô số chánh trị gia, lãnh đạo quân sự, triết gia, chiến lược gia, doanh nhân… từ Đông sang Tây. Thế nên "Thập Nhị Binh Thư" mới được chọn là một trong hơn 100 sách quý của Tủ sách "Nền tảng Đổi Đời" hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại với 12 lĩnh vực căn cốt nhất.
Thập Nhị Binh Thư gồm 12 bộ binh thư được tập hợp và giới thiệu lần lượt là:
1. Lục thao (Thái Công Khương Tử Nha);
2. Tam lược (Thái Công Khương Tử Nha);
3. Tư Mã binh pháp (Tư Mã Điền Nhương Tư);
4. Tôn Tử binh pháp (Tôn Vũ Tử);
5. Ngô Tử binh pháp (Ngô Khởi);
6. Uất Liễu Tử (Uất Liễu);
7. Binh pháp Khổng Minh (Võ Hầu Gia Cát Lượng);
8. Tố thư (Hoàng Thạch Công);
9. Đường Thái Tông - Lý Vệ Công vấn đối (Vệ Công Lý Tĩnh);
10. Binh thư yếu lược (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn);
11. Binh thư yếu lược (tu chỉnh)
12. Hổ trướng khu cơ (Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ).
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tập hợp tương đối đầy đủ nhất của cấp độ Mưu Thuật - Trí Thuật; để chuẩn bị cho một dân tộc vĩ đại, trung tâm, siêu việt; thì cấp độ đó cũng là chưa đủ mà dân tộc mình phải cùng đoàn kết luyện rèn lên mức độ của Trí Đạo – Tâm Đạo; là cấp độ có thể thấu ngộ được quy luật tạo hoá, hiểu được Ý Trời, cùng quy tụ Lòng Người với những động lực và cảm xúc cao cấp và cao quý nhất.
Người ta vẫn tin rằng Binh pháp Trung Hoa cổ là những nguyên tắc tiến hành chiến tranh được đúc kết rất chặt chẽ và xác đáng. Nhưng lịch sử Việt Nam luôn có những anh hùng dân tộc đã oanh liệt chiến thắng rất nhiều đạo quân phương Bắc hùng mạnh được dẫn đầu bởi những viên tướng làu thông binh pháp. Người Đại Việt ta cũng hấp thu binh pháp Trung Hoa cổ để sáng tạo nên một lý luận riêng, một nghệ thuật chiến tranh đặc sắc giúp dân tộc nhỏ bé trở nên quật cường, không bao giờ khuất phục ngoại xâm. Nói cho cùng thì các bậc tiền nhân lập nên những bộ Binh Thư, Binh Pháp cốt yếu nhằm hoàn thiện một lý luận quân sự tổng quát cùng với một số lối tác chiến trong từng hoàn cảnh. Chẳng hạn Binh Pháp Tôn Tử chép rằng, "Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần" - Quân binh cũng như nước, không hình không dạng cố định; nếu như có thể tùy theo tình hình biến hóa của địch mà biến đổi theo đó để giành thắng lợi, thì đó là "dụng binh như thần" vậy. Còn "Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất đãi; bất tri bỉ tri kỉ giả, nhất thắng nhất phụ; bất tri bỉ, bất tri kỉ, mỗi chiến tất đãi" thường được tường ngôn ngắn gọn thành "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng", đã từ lâu được truyền tụng trong khắp nhân gian. Đó chẳng phải là những tâm ngôn căn cốt để giành vị thế thống lãnh trên chiến trường ư! Còn thực tiễn chiến trường sẽ minh chứng người làm Tướng thấu hiểu tâm ngôn và vận dụng với sự Minh Triết đến mức nào.
|
Thư trung hữu bảo, trong kinh sách luôn hiện hữu điều quý báu, kẻ lược thao quân sự nhất thiết phải vững vàng về mưu lược, kế sách, tài nghệ kiếm cung. Vị lẽ ấy, bửu văn "Thập nhị binh thư" cũng đồng thời là bửu khí nhất định phải sở đắc và làu thông để mỗi binh sĩ đều có thể thành danh trên con đường binh nghiệp, để mỗi viên tướng đều là biểu tượng của một đạo quân bất khả chiến bại trên sa trường.
Thiết tưởng cũng cần phải diễn giải thêm rằng: đối với các bậc minh quân và những dũng tướng quả cảm, thượng võ nhất thì "Binh chinh thiên hạ" chỉ là một dạng phương tiện chứ không phải mục đích. Kỳ thực thì những bậc này đều thấu đạt một đạo lý rằng an dân, yên định xã tắc mới chính là mục đích tối cao của chiến chinh. Họ là những chủ tướng đầy Trắc ẩn - Yêu thương - Trách nhiệm nên được vinh danh trong sử sách, được cả người đời, đồng minh và luôn cả kẻ thù cũng phải kính trọng.
Cũng vì thế mà pho sách này không chỉ là bộ kiệt tác quân sự cổ xưa, mà còn ẩn chứa biết bao hàm ý triết học ưu tú của Đông Phương. Người đời nay ai ai đọc Binh Thư cũng đều thu hoạch được lợi ích. Người doanh nhân đọc Binh Thư thì thêm nhiều sáng kiến chốn thương trường. Người trí thức đọc vào để tỏ tường lịch sử. Người nghệ sỹ sẽ cảm thụ được cái hay cái đẹp trong câu chữ, văn phong… Hiểu ra thế nào là nghệ thuật mưu lược chiến tranh ngày trước vẫn giúp lợi cho mọi độc giả trong công việc và đời sống ngày nay. Bao người mê say Binh thư cổ ngàn năm cũng bởi những giá trị ẩn tàng, càng khai phá càng thấy dồi dào mãi chưa cạn kiệt.
|
|
Trước khi phò tá Chu Văn Vương, cuộc sống của Khương Tử Nha vô cùng gập ghềnh gian nan. Là con cháu chi thứ nên ông dần trở thành dân thường, mất các đặc quyền của dòng quý tộc. Năm 32 tuổi, nhà Thương chiến tranh không dứt, để tránh tai họa mà ông lên núi tu Đạo. Trải qua 40 năm khổ tu, ông xuất sơn khi 72 tuổi. Cao niên mà lại không có sở trường về nghề nào, ông sống nhờ nhà bạn bè và mưu sinh bằng các việc lặt vặt, mà làm gì cũng chẳng thành. Tử Nha luôn bị chê cười, châm chọc. Tuổi trẻ ông lao đao, cho đến tận lúc đã già vẫn vậy.
Không rõ Tử Nha có từng làm chức quan nhỏ dưới thời Trụ Vương hay không mà chỉ biết rằng khi thấy Trụ Vương bạo ngược vô đạo, lao dịch bách tính, hoang đường vô độ nên ông biết ngày mạt vận sẽ không xa. Ông nói với vợ rằng: "Ta không nỡ thấy vạn dân chịu tai ương. Nàng và ta đi Tây Kỳ, tương lai ắt sẽ có ngày hiển đạt". Nhưng vợ của ông chê ông không có tài cán gì, nên không muốn ở cùng ông nữa. Khương Tử Nha bất đắc dĩ đành một thân một mình trốn đến Tây Kỳ (sau này là nước Chu).
Chân núi Chung Nam tỉnh Thiểm Tây, Khương Tử Nha thường ngồi bên sông Vị Hà câu cá. Dùng lưỡi câu thẳng nên đã 3 năm mà ông không câu được bất kỳ con cá nào. Lúc này, Chu Văn Vương đến vùng đất ấy đi săn, tình cờ gặp Khương Tử Nha hơn 80 tuổi ngồi câu bên sông. Sau khi đàm luận, Văn Vương thấy ông chính là người hiền tài, võ có thể an bang, văn có thể trị quốc - đúng người lâu nay mong ngóng. Thế là Chu Văn Vương vui mừng nói: "Thái Công, ta mong ông đã lâu rồi". Do đó Khương Tử Nha có biệt hiệu "Thái Công Vọng", thường gọi là Khương Thái Công hay Lã Vọng. Ông phò tá Chu Võ Vương tiêu diệt nhà Thương của Trụ Vương Đế Tân, nhiều lần lập kỳ công, được phong đất Tề. Chí hướng xưng Vương của Khương Tử Nha khi tuổi ngoài 80 thật đáng ngưỡng vọng.
Chu Công là em trai của Chu Võ Vương. Sau khi Khương Tử Nha được phong đất Tề, chỉ vài tháng sau ông trở lại bẩm báo với Chu Công. Chu Công ngạc nhiên vì bình ổn nhanh chóng thì được Tử Nha trả lời: "Bỉ chức đơn giản hóa lễ tiết quân thần, tất cả đều thuận theo tình hình phong tục ở đó mà làm, do đó đất Tề đã bình ổn". Khương Tử Nha đã thấu chân lý của việc cai trị sau khi thấy sự u mê của Trụ Vương. Trong khi con trai Chu Công là Bá Cầm được phong đất Lỗ. Ba năm sau Bá Cầm mới trở lại bẩm báo tình hình: "Thay đổi tập quán ở đó, cách tân phép tắc lễ nghi ở đó, ít nhất cũng phải 3 năm mới thấy có hiệu quả, do đó con về muộn". Chu Công nghe xong than rằng: "Chính lệnh chỉ có bình hòa thì dễ thực hiện, bá tánh mới an cư lạc nghiệp, quốc gia mới thịnh trị yên ổn lâu dài".
|
Khương Tử Nha đã viết trong trước tác "Lục Thao" rằng: "Thiên hạ không phải là thiên hạ của một người, mà là thiên hạ của người trong thiên hạ. Nếu như có thể cùng tất cả mọi người trong thiên hạ phân chia lợi ích thì có thể lấy được thiên hạ, độc chiếm lợi ích của thiên hạ ắt sẽ mất thiên hạ. Trời có tứ thời, đất có tài phú, có thể cùng tận hưởng với muôn dân đó chính là nhân ái. Có nhân ái, người trong thiên hạ ắt sẽ quy thuận, tránh khỏi việc con người bị diệt vong, tiêu trừ khổ nạn cho muôn dân, đó chính là ân đức.
Ân đức tồn tại, người trong thiên hạ sẽ quy thuận, cùng mọi người chia sẻ vui buồn, tốt xấu đó chính là đạo nghĩa. Đạo nghĩa tồn tại, thiên hạ ắt sẽ không có tương tranh tương đấu mà quy thuận. Con người ai cũng ghét cái chết, yêu sinh tồn, tiếp nhận ân đức mà truy cầu phúc lợi, có thể vì người trong thiên hạ mà mưu cầu phúc lợi thì chính là vương đạo. Vương đạo tồn tại, người trong thiên hạ ắt cũng sẽ quy thuận. Đồng thiên hạ chi lợi giả tắc đắc thiên hạ, thiện thiên hạ chi lợi giả tắc thất thiên hạ, (Người chung cái lợi của thiên hạ ắt có được thiên hạ, người chuyên quyền độc chiếm cái lợi của thiên hạ ắt mất thiên hạ)".
Vậy nên bốn chữ "Thiên hạ quy tâm" chính là tinh hoa để Khương Tử Nha lập thuyết, với 4 cột trụ là Nhân - Đức - Nghĩa - Đạo để đạt được chính sự hòa thuận, nhân tâm hòa hợp. Ông chủ trương bắt đầu từ Vua: Vua phải thi hành nhân nghĩa, tu dưỡng đạo đức, không được vì mình mà tổn hại dân. Như vậy thì việc xưng Vương mới bền lâu, nhân dân mới chung sức đồng lòng với Quân Vương, quốc gia mới càng ngày càng cường thịnh.
Trước tác "Lục Thao" của Khương Tử Nha không chỉ là cuốn binh pháp chiến tranh cổ đại mà còn là khung mẫu thể chế chánh trị nghiêm cẩn cho nhà Chu. Trước tác này còn làm nền móng vững chắc cho bá nghiệp của Tề Hoàn Công và Quản Trọng sau này để "chín lần hợp chư hầu, thiên hạ quy về một mối". Lục Thao gồm 6 quyển: Văn thao: cách trị nước dùng người; Võ thao: đấu tranh chánh trị với kẻ thù; Long thao: phép cầm quân của chiến tướng; Hổ thao: hình trận và các loại vũ khí khí tài; Báo thao: các lối tác chiến; Khuyển thao: tuyển mộ, rèn luyện và sử dụng binh sĩ.
Các chiến lược gia quân sự chánh trị nhiều đời sau như Tôn Vũ, Quỷ Cốc Tử, Hoàng Thạch Công, Gia Cát Lượng… đều hấp thu tinh hoa trong "Lục Thao" để rồi phát triển sâu rộng thêm, càng khiến cho trước tác này và tên tuổi của Khương Tử Nha trở thành bất hủ.
Còn "Tam Lược" lại là những ghi chép ngắn gọn về thuật làm chiến tướng. Nói cách khác đây là phần dành riêng cho những chỉ huy ngoài mặt trận. Bao gồm: Thượng lược: tư cách người làm tướng, cách đối xử với thường dân, với tướng dưới quyền và binh sĩ, và thái độ với kẻ địch; Trung lược: cách dàn xếp quan hệ giữa chiến tướng nơi sa trường và triều đình xa xôi; Hạ lược: các khía cạnh đạo đức, nghĩa lễ khi hành xử ở đời. Vậy nên người làm Tướng nhất thiết phải thông tường Lục Thao và Tam Lược, tức là phải "có tài thao lược".
Theo sử sách ghi lại, Khương Tử Nha sống thọ đến 139 tuổi với trí huệ to lớn vì đã đạt đến cảnh giới cao của Lập thuyết. Sau hàng chục năm khổ tu rồi lại thêm hàng chục năm nữa luyện rèn gian khổ trong đời thực, cuối cùng Khương Tử Nha đã thành tựu sự nghiệp vĩ đại, công trạng lớn lao và để lại trước tác tinh thâm cho hậu thế. Cuộc đời ông phi phàm như vậy, ở thời đại ấy chỉ có Thần Tiên mới làm được. Do đó người đất Tề gọi ông là "Thiên Tề Chí Tôn". Đạo gia lưu truyền rằng ông đã tu luyện viên mãn thành Tiên. Trong quyển "Phong Thần diễn nghĩa" đời Minh cũng đưa ông vào hàng ngũ Thần Tiên. Các triều đại Trung Hoa đều xây dựng đền thờ Khương Tử Nha để người đời sau chiêm bái.
"Lục Thao và Tam Lược" thuộc binh pháp số 1 và số 2 trong 12 binh pháp của cuốn sách "Thập Nhị Binh Thư" được Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ cẩn trọng, tuyển chọn thuộc lĩnh vực Chính trị - Ngoại giao - Quân sự trong "Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời".
|
Đón đọc kỳ sau: Thập Nhị Binh Thư - Binh thư số 3: Tư Mã binh pháp
Bình luận (0)