Thấp thỏm bên bờ sông sạt lở

22/02/2025 12:35 GMT+7

Sông Hà Thanh đoạn chảy qua địa bàn H.Vân Canh (Bình Định) sạt lở nghiêm trọng, đất hoa màu bị nuốt chửng, nguy cơ mất nhà cửa khiến người dân luôn sống trong cảnh thấp thỏm.

NUỐT CHỬNG ĐẤT HOA MÀU

Những ngày giữa tháng 2, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng sạt lở bờ sông Hà Thanh đoạn qua địa bàn thôn Tăng Lợi, xã Canh Vinh, H.Vân Canh (Bình Định) diễn ra rất nghiêm trọng với chiều dài gần 1 km. Tình trạng sạt lở đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất, một số đoạn ăn sâu vào sát nhà dân. Sạt lở tạo ra hàm ếch rất lớn, cao gần 4 m, đứng dưới lòng sông nhìn lên như một bức tường lũy dài.

Thấp thỏm bên bờ sông sạt lở- Ảnh 1.

Bờ sông Hà Thanh đoạn chảy qua địa bàn H.Vân Canh (Bình Định) sạt lở nghiêm trọng

ẢNH: HẢI PHONG

Nhà ở sát bờ sông khu vực sạt lở, cụ Trương Bình Kiên (90 tuổi, ở thôn Tăng Lợi) cho biết hồi xưa sông rất nhỏ và hẹp nhưng theo năm tháng do sạt lở nên lòng sông ngày càng rộng và sâu, diện tích đất của người dân thì hẹp lại. Theo cụ Kiên, nguyên nhân là do khai thác cát nên mới xảy ra tình trạng này.

Cụ Kiên cho hay mỗi khi mùa lũ về, nhiều diện tích đất lại bị cuốn trôi, theo năm tháng, tình trạng này ngày một nghiêm trọng. Do cụ ở một mình nên mỗi lần nước lũ về lại thấp thỏm, lo sợ. Mấy năm gần đây mỗi khi nước lũ về, chính quyền địa phương phải đưa cụ Kiên đến nơi an toàn để trú tạm.

Thấp thỏm bên bờ sông sạt lở- Ảnh 2.

Bờ sông sạt lở mỗi ngày ăn sâu vào sát nhà dân

ẢNH: HẢI PHONG

"Tình trạng sạt lở bờ sông Hà Thanh mỗi ngày một nghiêm trọng, chính quyền địa phương có đến khảo sát và ghi nhận hiện trạng nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thấy có biện pháp khắc phục", cụ Kiên nói.

"LŨ VỀ KHÔNG DÁM NGỦ"

Chỉ tay về những điểm bị sạt lở, bà Phạm Thị Hậu (45 tuổi, ở xã Canh Vinh) cho biết gia đình bà có mảnh đất khoảng 3.500 m2, dùng để trồng cỏ nuôi bò bên thôn Tăng Lợi, nằm sát bờ sông Hà Thanh. Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông ngày một nghiêm trọng, khiến diện tích đất của gia đình bà bị thu hẹp xuống còn khoảng 1.000 m2.

Thấp thỏm bên bờ sông sạt lở- Ảnh 3.

Sạt lở nuốt nhiều diện tích đất của bà Phạm Thị Hậu

ẢNH: HẢI PHONG

"Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do khai thác cát, lúc trước sông không sâu như bây giờ. Những năm gần đây, cứ mỗi lần mưa lớn, nước lũ về gia đình tôi lại không dám ngủ, thức trắng đêm để canh tài sản. Lũ về cuốn trôi rất nhiều đất, từng mảng sạt xuống trước mắt nhưng chỉ biết đứng nhìn trong bất lực. Mong chính quyền các cấp làm bờ kè để chống sạt lở, chứ nếu để vầy người dân chỉ có bỏ đất mà đi ở nơi khác", bà Hậu bày tỏ.

Thấp thỏm bên bờ sông sạt lở- Ảnh 4.

Khu vực sạt lở bờ sông ở H.Vân Canh dài gần 1 km, cao hơn 4 m

ẢNH: HẢI PHONG

Liên quan vấn đề trên, ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh, cho biết hằng năm vào mùa mưa, bờ sông Hà Thanh đoạn chảy qua địa bàn xã liên tục bị sạt lở, chính quyền địa phương tập trung khắc phục ở những điểm có đông khu dân cư. Còn ở khu vực thôn Tăng Lợi, bờ sông sạt lở rất sâu và dài nhưng chưa khắc phục được, phương án hữu hiệu nhất là xây kè chống sạt lở để bảo vệ đất, hoa màu, tài sản và tính mạng cho người dân.

"Hằng năm, sau mỗi đợt bão lũ địa phương đều có báo cáo gửi UBND H.Vân Canh về tình trạng sạt lở bờ sông. Vừa qua, đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã đi khảo sát hiện trường, lên phương án kế hoạch làm kè chống sạt lở tại thôn Tăng Lợi", ông Bài cho biết thêm.

Tháng 6.2023, UBND tỉnh Bình Định ra quyết định phê duyệt đề án đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ sông trên lưu vực sông Hà Thanh và giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Với mục tiêu chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong lưu vực sông Hà Thanh; góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của người dân; phát huy hiệu quả đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở. Đồng thời, điều tra hiện trạng, đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông, suối trên lưu vực sông Hà Thanh; đề xuất giải pháp phòng chống xói lở, ổn định bờ sông một cách bền vững…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.