Thấp thỏm với giá điện

16/01/2025 03:43 GMT+7

Những chính sách liên quan đến giá điện gần đây khiến người dân và doanh nghiệp thấp thỏm không yên.

Đầu tiên là thời gian điều chỉnh giá điện được Bộ Công thương đề xuất 2 tháng/lần, thay vì 3 tháng như hiện tại. Nghĩa là mỗi năm có tới 6 lần điều chỉnh giá điện thay vì 4 lần. Tần suất thay đổi liên tục như vậy không chỉ khiến người dân, doanh nghiệp (DN) lo ngại vì thiếu tính ổn định, khó tính toán chi phí đầu vào đầu ra, mà còn sợ cái dớp "điều chỉnh là tăng" của ngành điện. Bởi từ trước đến nay, giá điện hầu như chỉ tăng không giảm. Thế nên điều chỉnh 4 lần, đồng nghĩa 4 lần tăng mà điều chỉnh 6 lần thì cầm chắc 6 lần tăng giá.

Thứ 2, bảng giá điện lũy kế mới nhất giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc theo dự thảo do Bộ Công thương công bố đã không đáp lại mong mỏi của rất nhiều người về tính công bằng, sòng phẳng trong cơ cấu giá điện. Trước đó, đã có rất nhiều góp ý thẳng thắn, khoa học, hợp lý của các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế, DN và người dân... Thế nhưng các vấn đề quan trọng như bù chéo giá điện giữa người dùng nhiều, dùng ít; giữa điện sinh hoạt và sản xuất, giữa kinh doanh và nhiệm vụ an sinh xã hội... vẫn chưa được giải quyết. Không những thế, dự thảo mới còn thêm một số quy định gây tranh cãi như điện sản xuất nguy cơ phải bù chéo cho các cơ sở lưu trú hay giá điện cho trạm sạc xe điện cao, không khuyến khích chuyển sang xe xanh, góp phần vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải giao thông mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện.

Ngành điện có lý lẽ của mình và cũng cần vốn lớn để đầu tư, để bảo đảm nguồn điện cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điện tác động rất lớn đến đời sống, xã hội nên các chính sách liên quan đến ngành này phải được cân nhắc kỹ lưỡng, phải bảo đảm minh bạch và nhất là phải hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt, trước khi tăng giá điện, ngành điện nên tận dụng mọi cơ hội để giảm áp lực thiếu điện, tăng chất lượng dịch vụ, từ đó có một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, để giá điện có lên có xuống. Đơn cử như việc tăng số lượng DN được mua bán điện trực tiếp mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) mới kiến nghị. Cụ thể, trong dự thảo Nghị định hướng dẫn luật Điện lực về cơ chế mua bán điện trực tiếp đang lấy ý kiến, Bộ Công thương đề xuất khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22 kV trở lên và tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh một tháng được mua bán điện trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều DN có quy mô nhỏ hơn có nhu cầu sử dụng điện tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của đối tác xuất khẩu hoặc các tiêu chuẩn quốc tế. Thế nên trước đó, nhiều hiệp hội, đại diện DN nước ngoài cũng từng kiến nghị bỏ ngưỡng giới hạn này. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc duy trì ngưỡng giới hạn với khách hàng tiêu thụ điện lớn là cần thiết trong giai đoạn đầu áp dụng cơ chế mới này, tạo vùng đệm an toàn cho chính sách. Góp ý mới nhất cho dự thảo, VCCI đề xuất hạ thấp ngưỡng sản lượng tiêu thụ điện bình quân để được tham gia mua bán điện trực tiếp, đặc biệt với trường hợp mua bán qua đường dây riêng.

Tương tự, các góp ý về biểu giá điện lũy tiến, về giá điện 2 thành phần... cũng đã được các chuyên gia lên tiếng nhiều lần.

Vấn đề cuối cùng của chính sách liên quan đến điện như nói trên, vẫn là minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên và không để người dân, DN cứ phải thấp thỏm mỗi lần nghe điều chỉnh giá điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.