|
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm kỹ thuật PTTH tỉnh Nam Định do Công ty tư vấn thiết kế xây dựng, Bộ Xây dựng lập tháng 4.2004, ở trang 34, mục 5, tính tải trọng gió đã ghi rõ: tải trọng gió được tính toán theo TCVN 2737-1995, tại TP.Nam Định, vùng IV-B, có Wo = 155 daN/m2.
Theo một chuyên gia xây dựng, tất cả các công trình xây dựng tháp cao tại Việt Nam đều phải áp dụng tiêu chuẩn TCVN 2737-1995. Với Wo = 155 daN/m2, chiều cao tháp là 180 m thì đơn vị thiết kế phải tính toán sao cho tháp TH Nam Định chịu được gió tương đương với vận tốc 181 km/giờ (tính theo công thức Wo = 0.0613 x Vo2 (đơn vị: m/s), công thức có trong TCVN 2737-95, trong đó Wo là áp lực gió; Vo là vận tốc). Đó là chưa kể phải tổ hợp với tải trọng gió động; tải trọng động đất (tức là tính trong tình huống tháp vừa phải hứng bão, vừa bị động đất), thì tháp còn phải đạt tiêu chuẩn cao hơn nhiều.
|
Tuy nhiên, trong bản hợp đồng mua tháp ăng ten cao 180 m, do ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PTTH Nam Định ký ngày 13.9.2006 với bên bán là Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) lại ghi "Tháp được thiết kế chịu được tốc độ gió 120 km/giờ".
Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16.12.2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng thì chủ đầu tư phải phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, các quy chuẩn và tiêu chuẩn phải theo quy định hiện hành, không được tự mình đưa ra.
Nhiều chuyên gia xây dựng cho biết, giữa yêu cầu tháp phải chịu được sức gió 181 km/giờ với yêu cầu tháp phải chịu được sức gió 120 km/giờ thì quá trình thiết kế sẽ giảm đi rất nhiều như: thép chế tạo tháp, kết cấu móng nhỏ hơn, giảm chi phí nhân công… Vì thế chi phí cho công trình cũng sẽ giảm đi...
Cuối giờ chiều qua, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên vì sao lại có sự hạ tiêu chuẩn sức chịu đựng của tháp, ông Trần Anh Tú, Giám đốc Đài PTTH Nam Định cho biết, lúc này ông không thể nhớ được chi tiết, bởi hợp đồng đã ký từ năm 2006.
Theo ông Tú, đến nay, Đài PTTH Nam Định vẫn sản xuất chương trình và phát trên truyền hình cáp. Khoảng 1 tuần nữa, Đài Nam Định sẽ tìm vị trí phát sóng analog để các gia đình bắt sóng truyền hình bằng ăng ten thông thường có thể xem được.
Káp Long - Hoàng Long
Bình luận (0)