Thất bại đại dự án cao su ở Gia Lai

28/07/2018 08:38 GMT+7

Việc triển khai vội vàng, khảo sát sai đã khiến dự án chuyển hàng chục ngàn héc ta rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai kém hiệu quả khi diện tích cao su phần bị chết, phần phát triển kém...

Từ chủ trương của Chính phủ về định hướng phát triển cây cao su cho vùng Tây nguyên đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và sự đồng thuận, hỗ trợ của các bộ ngành trung ương, tỉnh Gia Lai đã cấp phép cho nhiều dự án chuyển rừng nghèo sang trồng cao su.
Nhiều thiệt hại
Theo Thông tư số 76 ngày 21.4.2007 của Bộ NN-PTNT, đất thích hợp để trồng cao su là các loại đất đỏ bazan, đất xám đảm bảo các tiêu chuẩn: độ cao dưới 700 m so với mực nước biển; độ dốc dưới 30 độ; tầng dày tối thiểu 0,7 m; độ sâu mực nước ngầm dưới 1,2 m và không bị ngập úng khi có mưa; thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến thịt nặng, thoát nước tốt... và một số yêu cầu về sinh hóa khác.
Giá mủ cao su rớt không phanh
Thời điểm bắt đầu trồng, giá cao su đỉnh điểm có lúc hơn 45 triệu đồng/tấn mủ. Trong vài ba năm trở lại đây giá cao su rớt không phanh, nay chỉ còn trong khoảng 32 - 35 triệu đồng/tấn. Với giá này, vườn cây nếu tốt khi đi vào kinh doanh may lắm cũng chỉ lấy công làm lãi, hoặc lời rất thấp. Doanh nghiệp vì thế không mặn mà chăm sóc cây để khai thác.
Tuy nhiên, các đơn vị khảo sát đã cẩu thả và phần nào làm lơ những điều kiện trên, cộng với sự vội vàng giao đất của các cơ quan chức năng của Gia Lai dẫn đến những thiệt hại lớn. Trong một thời gian ngắn, tỉnh Gia Lai đã cho phép 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án với diện tích cho phép chuyển đổi sang trồng cao su hơn 32.000 ha, trong đó đất có rừng tự nhiên hơn 29.000 ha, đất chưa có rừng hơn 3.200 ha. Kết quả, theo báo cáo của tỉnh Gia Lai, diện tích trồng cao su hơn 25.000 ha, trong đó diện tích chết và kém phát triển chiếm gần 50%. Còn theo điều tra riêng của chúng tôi, hầu hết diện tích cao su trồng trên diện tích rừng khộp, diện tích cây bị chết, còi cọc, sinh trưởng kém khá lớn, có lẽ còn nhiều hơn những gì trong báo cáo của tỉnh Gia Lai gửi Bộ NN-PTNT.

Sau gần 9 năm thực hiện dự án chuyển hàng chục ngàn héc ta rừng nghèo sang trồng cao su của Gia Lai, thực tế nêu trên đã khiến nhiều doanh nghiệp tham gia dự án đang sa lầy. Tổn hại về kinh tế ước tính hàng ngàn tỉ đồng trong khi hiệu quả xã hội không phát huy như mong muốn: mất rừng, lãng phí tài nguyên đất, tiền của tài sản nhà nước, doanh nghiệp...
Xin chuyển cây trồng khác
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã cùng với các sở ngành Gia Lai tiến hành kiểm tra tại 7 doanh nghiệp có tỷ lệ diện tích lớn cây cao su chết và kém phát triển. Các doanh nghiệp này đã trồng gần 12.000 ha cao su. Theo đánh giá của đoàn công tác, kỹ thuật, giống, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho cao su đều thực hiện đúng.
Còn nguyên nhân chủ yếu khiến cao su chết và sinh trưởng kém là do trồng trên rừng khộp, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp, tầng đất canh tác chỉ có độ sâu khoảng 50 cm, thành phần cơ giới là đất cát hoặc đất cát pha thịt hoặc tỷ lệ đá kết von hoặc đất pha sét biến tính bí chặt, chỉ đủ điều kiện rễ cọc phát triển trong 2 - 3 năm đầu. Đến những năm sau không phát triển được, hoặc không phát triển rễ cọc qua tầng sét và bị úng, không thoát nước vào mùa mưa...
Những vấn đề về thổ nhưỡng đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng, phát triển của cây cao su. Nhiều diện tích cao su trồng 2 - 3 năm trên nền đất rừng khộp có tầng đất canh tác mỏng đã chết khi bị bó rễ, không phát triển được. Không ít diện tích cao su như thế chỉ để... làm cảnh, khó có khả năng cho mủ.
Để “chữa cháy”, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ cho phép các doanh nghiệp được trồng các loại cây trồng khác trên diện tích có cây cao su bị chết tập trung theo lô hoặc theo đám và trên diện tích cao su kém phát triển mà trước đây trồng trên diện tích đất chưa có rừng hơn 1.369 ha; thay đổi cơ cấu cây trồng đối với cao su đã trồng trên đất có rừng nhưng kém phát triển, bị chết với diện tích hơn 10.600 ha...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.